Saturday, August 10, 2013

Cảm tính: Chuyện thứ nhất

Mấy ngày nay, trên một số báo mạng có đưa một bài viết 
Thủ khoa 29,5 điểm nhập ngũ: “Đừng bắt trạng nguyên phải giỏi võ” của một độc giả tên John Nguyễn
Tôi không biết độc giả trên là người Việt Nam đang sống trong nước hay là một Việt Kiều. Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ lạm bàn một số vấn đề mang tính cảm tính của vị độc giả này cũng như một số độc giả khác.

Trước hết, tôi phải khẳng định rằng bài viết của tác giả trên hoàn toàn mang tính cảm tính, đồng thời không thể nào chấp nhận được trong một xã hội đang được điều chỉnh bởi Pháp luật.
Tôi miễn bàn về những câu nói rất văn hoa ở đoạn mở đầu của vị độc giả này mà chỉ cần nói về những đoạn như sau:
Tác giả nói: Tại sao không để những kẻ đua xe, nhậu say bí tỉ trong các quán bar bằng tiền của cha mẹ đang cần môi trường quân đội rèn giũa thay vì những thí sinh xuất sắc đỗ đầu một kì thi của quốc gia, mà ngày xưa cha ông gọi là đỗ trạng nguyên?
Tại sao không để những người tự cho mình là "đàn anh" có máu "anh hùng" quấy rối làng xóm rèn giũa môi trường quân đội thay vì những con người có nghị lực vượt nghèo bằng cách học giỏi để quay lại cống hiến cho xã hội?
Còn nhiều và nhiều lắm những người "nhàn rỗi" cần môi trường quân đội tôi luyện chứ không phải một "trạng nguyên"!
Phải chăng vị tác giả này cho rằng, môi trường Quân đội là chỉ thích hợp cho những kẻ chơi bời, quấy rối xã hội. Quân đội Việt Nam chỉ dành cho những kẻ giang hồ, côn đồ, ăn nhậu say xỉn. Thực sự, với những câu nói này của vị độc giả này đã xúc phạm đến rất nhiều con người, đã, đang và sẽ phục vụ QĐND Việt Nam.
Là người đã từng trải qua công tác tuyển quân. Tôi xin giải thích rõ quy trình tuyển chọn công dân nhập ngũ cho quý vị biết. Hiện nay, trình độ tối thiểu để gọi nhập ngũ là lớp 8, 9. Trong đó, sẽ ưu tiên các em có trình độ hết PTTH, trung cấp nghề, cao đẳng và đại học, nhằm tạo nguồn cán bộ, chiến sĩ có trình độ, khả năng nhận thức, nhanh chóng nắm bắt và làm chủ được các vũ khí, khí tài công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình hiện nay.
Ngoài trình độ văn hoá, các em phải đạt sức khoẻ tối thiểu loại 3, không có tiền án tiền sự, nhân thân tốt v.v…
Chính với những yêu cầu nêu trên, hiện nay ở các địa phương mặc dù thanh niên trong độ tuổi NVQS rất đông nhưng đạt điều kiện gọi nhập ngũ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong công tác tuyển quân, chúng tôi hay có nói vui là: “Đủ chưa chắc đã bị gọi, bị gọi chưa chắc đã phải đi”. Tức là: đủ điều kiện về sức khoẻ, nhưng nếu thừa thì chưa chắc đã bị gọi nhập ngũ. Được gọi nhập ngũ nhưng nếu vào trường hợp quân dự bị thì chưa chắc đã phải đi bộ đội, bởi số thanh niên tình nguyện đi cũng rất đông.
Tác giả cố gân cổ lên chứng minh quan điểm của mình rằng: Đất nước Việt Nam đâu phải có "biến cố" gì mà cần đến cả những trí thức cũng cần phải rèn luyện thêm khả năng "chiến đấu trên mặt trận". Thay vì chiêu mộ nhiều đối tượng, hãy làm tinh nhuệ những con người đang phục vụ cho quân đội.
Điều này tác giả nói sai hoàn toàn. Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều nguy cơ xung đột mà trước mắt là ở Biển Đông, việc gọi nhập ngũ nhằm thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông” như cha ông ta đã từng sử dụng. Sau quá trình phục vụ tại ngũ, thanh niên trở về địa phương và thuộc lực lượng dự bị để đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Điều này, không ai muốn. Nhưng với kinh nghiệm của Việt Nam thì phòng còn hơn chống. Không lẽ, cứ đến lúc xảy ra chuyện mới huy động con người. Mà đến lúc ấy, đào tạo sử dụng vũ khi có kịp hay không?
Vậy xin đặt ra một câu hỏi ngược lại, nếu để cho những sĩ quan quân đội học công thức Toán cao cấp, Lý thuyết kinh tế vi mô, vĩ mô, Công tác ngoại giao, Chiến lược kinh tế, Quy trình bào chế thuốc chữa bệnh, Quy trình phẫu thuật.... thì liệu họ có thể đảm bảo an toàn cho quốc gia và thực sự cống hiến được không?
Tôi xin nói với tác giả một điều, hiện nay sĩ quan chỉ huy trong Quân đội đều được đào tạo ở cấp Đại học và tương đương. Do vậy, câu hỏi ngược của anh không giá trị và chứng minh rằng anh coi thường trình độ của những người đang phục vụ Quân đội một cách quá đáng.
2 năm, đó là quãng thời gian không dài với một đời người nhưng đó là một cột mốc quý giá để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực. Dân tộc ta còn chậm phát triển hơn các quốc gia khác, vì vậy đừng lãng phí 2 năm phân bổ không đúng chuyên môn của một tài năng.
Đúng, nhưng một con người không thể làm nên đại sự trong vòng 2 năm. Tôi xin khẳng định với anh một câu. Một cậu thanh niên có thể là Thủ khoa trong kỳ thi đại học nhưng chưa chắc trong quá trình học cậu ta sẽ luôn giữ được hết khả năng và phong độ của mình. Hãy nhớ rằng, rất nhiều Thủ khoa đại học ra ngoài vẫn lận đận trong việc làm bởi kiến thức mà những bạn này hầu hết là lý thuyết, còn kinh nghiệm thì rất yếu.
Thêm nữa, khi cảm tính của anh không muốn phí phạm tài năng như vậy, anh vô tình khiến người thanh niên này chối bỏ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, một nghĩa vụ và trách nhiệm lớn nhất của một người thanh niên. Thử hỏi, sau này ra công tác, anh ta còn có thể hiện được trách nhiệm của mình trong công việc hay không? Hãy xem các quốc gia xung quanh, ví dụ như ở Hàn Quốc, các ca sĩ nổi tiếng vẫn thực hiện NVQS một cách nghiêm chỉnh nhằm nêu cao tinh thần công dân và thượng tôn Pháp luật của họ. Còn cậu thanh niên Nguyễn Hữu Tiến đã đóng góp được gì cho xã hội mà đòi chối bỏ trách nhiệm của mình.
Pháp luật xây dựng ra để con người tôn trọng và thực thi, chứ không phải dựa trên tình cảm của mình mà đứng lên trên nó. Thêm nữa, sau khi hoàn tất NVQS (18 tháng) em Tiến sẽ được nhà trường tiếp nhận lại và tiếp tục chương trình học của mình. Như vậy, em đâu có bị bỏ phí tài năng. Hay chính như bản thân của Tiến còn e ngại rằng sau 2 năm phục vụ quân ngũ sẽ quên kiến thức, như thế, Tiến còn không khẳng định được khả năng của mình thì có thể hi vọng được bao nhiêu trong tương lai? Ở đây, tôi có thể khẳng định rằng, nếu có ý chí, Tiến vẫn có thể vừa rèn luyện trong Quân đội, mà vẫn có thời gian để rèn luyện kiến thức của mình.
Còn nếu Tiến không đi, đồng nghĩa với việc Pháp luật chưa được đánh giá hết đúng vị trí, vai trò của nó. Như vậy, đúng hay sai, các bạn tự hiểu.



2 comments:

  1. lịt mẹ, thằng viết bài này đúng là ngụy biện, sao không mang câu 'yêu tổ cuốc là yêu cnxh' mà lói cho nó nhanh.

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete