Thursday, November 20, 2014

Động đậy 24h: Kền kền


Sau một thời gian im lặng trước sự ồn ào trong dư luận, tối ngày 17/11, Công Phượng đã tiếp xúc với phóng viên báo Người Lao Động và có tâm sự về bức xúc của cá nhân với những gì mà cha mẹ Công Phượng đã phải trải qua trong thời gian gần đây. Trong cuộc tiếp xúc này, Công Phượng có nói rằng "Cá nhân tôi muốn nhắn gửi với cha mẹ mình, những người vì tôi mà suốt cả tuần qua đã phải bỏ dở cả công việc, thậm chí sức khỏe cũng bị ảnh hưởng xấu. Những gì đang diễn ra chỉ liên quan đến tôi thì tại sao lại làm phiền cha mẹ tôi nhiều quá như vậy.".

Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai mà đại diện là Bầu Đức cũng đã đề nghị công an vào cuộc để xác minh vụ việc được cho là Công Phượng gian lận tuổi. Rõ ràng, với đề nghị này, HAGL đã khẳng định sự tuân thủ, tôn trọng pháp luật của họ. Bởi chỉ có các cơ quan điều tra mới có thể có quyền để khẳng định Công Phượng là 19 hay 21 tuổi.
Lẽ dĩ nhiên, qua những dòng tâm sự của Công Phượng cũng như sự tin tưởng vào các cơ quan bảo vệ pháp luật của bầu Đức thể hiện đầy đủ cả tình và lý trong câu chuyện liên quan đến tuổi của cầu thủ này. Và những người đang ở cả hai phía đều có thể mong chờ kết quả cuối cùng để kết thúc sự việc gây nhiều tranh cãi, bức xúc và cả những phát ngôn tiêu cực, mất kiểm soát.
Tuy nhiên, trái với mong muốn chờ đợi trong bình yên của nhiều người, kênh truyền hình, ngày 18/10, kênh thể thao, giải trí NCM của Truyền hình An Viên phát sóng chương trình tiêu điểm: "Toàn cảnh bóng đá Việt Nam số 110". Người dẫn chương trình là ông Trần Song Hải – Phó chủ tịch Hội Cổ động viên Việt Nam và hai khách mời là nhà báo Nguyễn Nguyên – báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh và nhà báo Huỳnh Sang – Đài tiếng nói Tp Hồ Chí Minh.
Chương trình tiêu điểm Toàn cảnh bóng đá Việt Nam số 110 ngày 18/11 (đã gỡ bỏ trên Youtube và trang điện tử của NCM) lại đề cập đến câu chuyện của Công Phượng. Trong đó, khoảng thời gian đầu cho phát các "bằng chứng" được cho là gian lận tuổi. Ngoài những bằng chứng dựa theo những gì mà chương trình chuyển động 24h của VTV đã tìm được. Chương trình còn cung cấp hình ảnh của hai tờ giấy xác nhận Công Phượng hoàn thành bậc tiểu học. Một tờ được ký vào năm 2006 và tờ kia ghi là tốt nghiệp năm 2007.
Tuy nhiên, chỉ có tờ xác nhận hoàn thành năm 2007 là có mộc đỏ, còn tờ xác nhận năm 2006 chỉ là bản phô tô thường (dấu mộc đen), thậm chí không phải bản công chứng. Thực sự người viết bài không hiểu những người làm phóng sự có chút kiến thức nào về luật hay không mà dẫn dắt ra chứng cứ hết sức ngây ngô và nực cười như vậy. Tờ giấy phô tô xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học năm 2006 chỉ có giá trị như một tờ giấy lộn, không hơn không kém.
Xuyên suốt 30 phút của chương trình, mặc dù cả 3 nhân vật được nêu trên cố gắng chứng minh sự khách quan trong ý nghĩ và phát ngôn của họ về vụ việc của Công Phượng. Thế nhưng, người xem không hề quá khó khăn khi nhận biết chương trình đang định hướng dư luận vào mục đích khẳng định Công Phượng gian lận tuổi. Khi kết thúc chương trình, ông Trần Song Hải là người dẫn chương trình lại có những phát ngôn như: "chúng tôi yêu em, quý em" "có thể em rất sốc" "mong em quay về với bản thân em"… Qua những từ ngữ như vậy. Có thể hiểu ngầm ý của họ đã khẳng định rằng Công Phượng gian lận tuổi và rõ ràng phù hợp với toàn bộ nội dung suốt chương trình.
Câu chuyện có thể dừng ở đó, bởi cũng không có ít người qua những thông tin trên báo chí và đặc biệt là chương trình Chuyển động 24h đã nghiêng về việc Công Phượng khai gian tuổi. Tuy nhiên, chương trình đã cắt đi hơn 1 phút phát biểu của ông Nguyễn Nguyên – Báo Pháp luật TPHCM. Chúng ta có thể xem đoạn phim đó tại đây:
Phần phát ngôn của ông Nguyễn Nguyên đã bị cắt không phát sóng nhưng rò rỉ trên mạng đã khiến cư dân mạng và cả những nhà báo - đồng nghiệp của ông Nguyễn Nguyên nổi sóng, bức xúc vì những lời nói được cho là khiếm nhã và xúc phạm, mang tính làm nhục gia đình của Công Phượng.
Trước hết , phải nói rằng người dân Việt Nam có một đời sống tâm linh hết sức mạnh mẽ, phong phú và sâu đậm. Tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên đã trở thành một nét bản sắc văn hoá độc đáo đã trở thành truyền thống, sự gắn bó nối tiếp các thế hệ trong gia đình với nhau. Do đó, với mong muốn người thân được "yên giấc ngàn thu" và suy nghĩ sợ bị trừng phạt nếu có những hành vi động chạm mồ mả khiến cho người Việt Nam ít có những hành động được cho là thất đức như: đập phá, xâm phạm mồ mả. Những suy nghĩ này được duy trì mạnh mẽ hơn ở những vùng nông thôn chưa đô thị hoá, sự gắn kết cộng đồng làng xã, thân tộc cao.
Trên trang điện tử của Cục văn hoá cơ sở, Bộ Văn hoá - thể thao và du lịch có viết: "một số địa phương Bắc bộ quan niệm "Phụ bất bái tử" (cha không lạy con). Con chết trước cha mẹ là nghịch cảnh, là bất hiếu, con chưa kịp báo hiếu cha mẹ đã trốn nợ đời, chẳng những cha mẹ không để tang con mà khi khâm liệm con còn phải quấn trên đầu tử thi một vòng khăn trắng". Còn GS-TS Nguyễn Tiến Đích, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ, chuyên gia Phong Thủy học và Dịch học khi nói về trường hợp chết trẻ có nói: "cháu bé cần được siêu thoát về cõi giới của mình (cõi âm) để đầu thai kiếp khác. Coi như đầu thai kiếp này đã không thành công. Nếu cha mẹ cứ vương vấn thương hại thì trẻ sẽ không siêu thoát được.'
Cũng theo GS, với trẻ mất trước 14 tuổi thì không nên làm bia mộ, không nên làm bát hương hay cúng giỗ. Cách tốt nhất là hãy quên đứa trẻ đi. Trên trang cá nhân, GS viết: "Đó mới thực sự là thương yêu nó. Cái thân xác của nó bây giờ là cái bỏ đi, không nên vương vấn làm gì. Nếu có bát hương hoặc nấm mồ của nó thì cha mẹ quên nó sao được? Nó cần được giải thoát. Cha mẹ hãy buông thả nó ra, để cho nó được siêu thoát."
Một bạn trẻ nhà chỉ cách nhà Công Phượng khoảng 15km thì nói rằng:  ngay cả em đến lớp 3 mới đi làm giấy khai sinh và hiện tại giấy khai sinh của em cũng chẳng có số, quyển gì hết. Thêm nữa ở quê em vấn đề tâm linh rất được coi trọng và em tin là không ai dám làm cái việc thất đức cất giấu bia mộ (nếu có). Và bia mộ ở quê em thường người ta chôn gần hết bia (chôn bia sâu – NV) đối với những người chết trẻ và chết bất thường như trường hợp anh trai Công Phượng."
Người viết bài này không thể tưởng tượng được những suy nghĩ và phát ngôn dành cho những kẻ táng tận lương tâm và mất hết nhân tính lại được chính một người làm báo nói ra. Không hiểu rằng khi nhà báo này nói ra những từ ngữ như vậy, anh ta có thể đánh giá được hết những tác động khủng khiếp của nó đối với tư duy của người Việt Nam hay không? Hay cái điều cần thiết nhất của anh ta là phải chụp mũ gian lận cho Công Phượng và bằng mọi cách tạo dư luận nghi ngờ về một hành động bất chấp đạo lý của gia đình Công Phượng. Rõ ràng, bất chấp những gì được coi là khách quan, chỉ cần đạt mục đích mà vị nhà báo này đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của gia đình cầu thủ này qua những lời và suy nghĩ như vậy.
Và tôi, một độc giả cũng nung nấu trong mình một câu hỏi: "Với việc của Công Phượng, có cần đối xử với nhau mất hết tình người, đạo đức, nhân tính như vậy hay không? Và con người ta có thể  lợi dụng cái quyền tự do ngôn luận của mình, lợi dụng mác nhà báo để chà đạp lên những giá trị nhân văn, truyền thống của dân tộc để làm nhục người khác như vậy hay không?".
Câu trả lời, xin dành cho những người đọc bài viết này.

No comments:

Post a Comment