Sunday, June 1, 2014

Sự thật và những toan tính trong vụ việc hạ giàn khoan HD-981

Bài này viết lâu rồi, nhưng đến hôm nay mới chia sẻ được với mọi người.
Rõ ràng, cho đến thời điểm này thì âm mưu của Trung Quốc ở khu vực biển Đông đã thể hiện đầy đủ. Giàn khoan HD-981 thực chất không mang mục đích tìm kiếm dầu mỏ mà mang ý nghĩa của một lãnh thổ thu nhỏ di động nhằm chiếm đất, mở mang bờ cõi. Khi đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có thể Trung Quốc đã tính toán đến thời điểm hoàn hảo để thực hiện mưu toan của mình. Sự việc bãi cạn Scarborough đã củng cố cho quyết tâm thôn tính toàn bộ khu vực biển Đông của Trung Quốc. Vào thời gian này, toàn bộ thế giới đã tập trung vào Ukraine. Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Nga trong vấn đề Crimea; đàm phán ký kết hợp đồng mua bán khí đốt lịch sử để trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Nga. Với những động thái này, Trung Quốc hi vọng sẽ tìm kiếm được sự đồng tình của Nga về vấn đề biển Đông.

Với vai trò “Địa Trung Hải” của Châu Á, kiểm soát tới 5/10 tuyến hàng hải chính của thế giới, tương đương với 45% giá trị thương mại Quốc tế. Có khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, 60% của Nhật Bản và 66% của Hàn Quốc đi qua biển Đông. Do đó, biển Đông đã trở thành một trong những “van điều tiết” chính của kinh tế thế giới, đặc biệt là vấn đề vận chuyển dầu hoả giữa Trung Đông và các nước Đông Á. Nếu Trung Quốc kiểm soát được biển Đông thì vai trò số một về kinh tế trên thế giới chắc chắn nằm trong tay Trung Quốc. Do đó, các học giả người Trung Quốc đánh giá biển Đông là “trục hai đại dương, là hòn đá tảng về sức mạnh biển, là đồng tiền sinh mệnh trên biển”. Qua nhận định này của họ, có thể thấy tham vọng của Trung Quốc khi cố tình vẽ ra bản đồ 9 đoạn nhằm độc chiếm biển Đông. Chỉ khi khống chế được toàn bộ biển Đông, Trung Quốc mới có thể trở thành một cường quốc về kinh tế, quân sự, đặc biệt về hướng biển. Do đó, đây chính là mục tiêu để Trung Quốc bất chấp các điều ước quốc tế mà họ đã tham gia nhằm thực hiện được tham vọng của mình. Và thực tế đã chứng minh họ không từ bất cứ một thủ đoạn nào để tranh giành chủ quyền trên biển với các quốc gia lân cận.
Là hai quốc gia láng giềng, Trung Quốc và Việt Nam hiểu rất rõ về nhau do hai nước đã từng có sự hợp tác lâu dài, thậm chí, trong lịch sử còn chiến tranh rất nhiều. Trong vụ việc hạ đặt giàn khoan HD-981, Trung Quốc đã có tính toán và khôn khéo muốn chứng minh họ là nạn nhân chứ không phải là kẻ xâm lược. Do đó khi đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đưa kèm theo một lượng lớn tàu hải cảnh, hải giám để bảo vệ giàn khoan. Một mặt, họ muốn chứng minh quyền chấp pháp trên khu vực Hoàng Sa mà họ cho là chủ quyền hợp pháp. Mặt khác, với hi vọng lực lượng làm nhiệm vụ trên biển của Việt Nam sẽ mất kiểm soát, tấn công vào tàu của Trung Quốc, Trung Quốc đã làm đủ mọi cách nhằm khiêu khích, kích động tinh thần của các lực lượng này… Nếu Việt Nam xử lý không khéo tình huống mà Trung Quốc giăng bẫy thì đây sẽ là ý do để họ tấn công quân sự với quy mô lớn vào các lực lượng chức năng của Việt Nam như Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư... Thậm chí, có thể tính tới mức xâm chiếm toàn bộ khu vực Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà chúng ta đang quản lý, bảo vệ và khai thác.
Bên cạnh đó, khi tin tưởng sẽ có sự ủng hộ của Nga về vấn đề biển Đông, Trung Quốc đã thực sự thách thức chính sách và cam kết của Mỹ đối với đồng minh của họ về vấn đề an ninh trong khu vực. Trung Quốc muốn chứng minh họ đã trở thành một đối trọng, một “Ông lớn” , sẵn sàng tranh giành ảnh hưởng với Mỹ.
Trước âm mưu của Trung Quốc, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã và đang hoàn toàn tỉnh táo, đề cao cảnh giác. Những toan tính của Trung Quốc nhằm đưa Việt Nam vào tình thế khó khăn đã hoàn toàn phá sản khi các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam thực hiện đúng chủ trương, đường lối, biện pháp mà Đảng và Nhà nước đưa ra. Những ngày vừa qua, chúng ta chỉ đấu tranh bằng biện pháp hoà bình, kiềm chế, mềm mỏng, tránh va chạm… nên thực tế, Trung Quốc đã không thể đạt mục đích gây hấn, tiến tới gây chiến với Việt Nam.
Đây là thành công bước đầu của Việt Nam khi chúng ta đã đưa ra nhiều hình ảnh thực tế về việc các lực lượng Hải giám, Hải cảnh của Trung Quốc tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam; đưa phóng viên trong nước và quốc tế ra hiện trường  để cho toàn thế giới thấy sự ngang ngược, bất chấp đạo lý, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Đây là cách làm khoa học, chính xác và trung thực nhất, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc khi cố tình xâm phạm vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Việc biểu tình một cách quá khích, thiếu chừng mực của công nhân ở một số nơi như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Áng (Hà Tĩnh) phần nào đã vô tình giúp Trung Quốc trong việc gỡ gạc được một chút thể diện. Động thái vội vàng rút người lao động Trung Quốc về nước không nằm ngoài mục đích tạo ra hình ảnh họ là những nạn nhân của các cuộc biểu tình tại Việt Nam và cố chứng minh môi trường đầu tư ở Việt Nam hiện đang không an toàn.
Thế nhưng, ngược lại với những gì Trung Quốc đang mong muốn, Việt Nam - với quyết tâm mạnh mẽ từ trước đến nay là xây dựng hình ảnh một đất nước hoà bình, ổn định về chính trị - Đảng, Nhà nước và Chính phủ ta đã có những động thái tích cực, nhanh chóng, kịp thời ổn định tinh thần cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam – đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong các cuộc biểu tình vừa qua. Một lần nữa, với cam kết bảo đảm an toàn cho các doanh nghiệp, chuyên gia người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp sau sự việc. Trong buổi tiếp xúc tại Bình Dương, các doanh nghiệp Đài Loan, Nhật Bản hô to khẩu hiệu ủng hộ chính phủ Việt Nam, quyết tâm bám trụ lại Việt Nam làm ăn là minh chứng cho sự tin tưởng của các DN nước ngoài vào quyết sách, chủ trương, đường lối và hành động của Nhà nước Việt Nam. Các trang kinh tế của nước ngoài đánh giá đây chỉ là một sự cố nhỏ ngoài ý muốn và Việt Nam vẫn là một quốc gia đáng để đầu tư phát triển.
Phớt lờ dư luận quốc tế và cả trong nước, Trung Quốc tiếp tục giả câm, giả điếc để thực hiện mưu đồ vừa ăn cướp, vừa la làng của mình. Thậm chí, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Cộng hoà nhân dân Trung Hoa còn tuyên bố: “Không, người Trung Quốc chúng tôi không có gen xâm lược”. Có vẻ như ông Tập cố tình quên và chối bỏ lịch sử xâm lăng của Trung Quốc đối với dân tộc Việt Nam, với Ấn Độ, Liên Xô(cũ)… Phải chăng, đây chính là câu trả lời hợp lý nhất cho những hành động ngang ngược vừa ăn cướp, vừa la làng của Trung Quốc? Với những luận điệu như vậy, đặc biệt khi nước cờ trên biển và chiến thuận xây dựng hình ảnh chính trị Việt Nam bất ổn của Trung Quốc thất bại, chắc chắn Trung Quốc sẽ còn những động thái nguy hiểm hơn bất chấp dư luận quốc tế để đẩy Việt Nam vào thế bắt buộc phải tự vệ nhằm đạt mục đích của mình, hoặc ít nhất có thể vớt vát thêm một chút danh dự trước khi kéo giàn khoan HD-981 về nước. Chính vì vậy, thời điểm này, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam càng phải đồng lòng, đoàn kết hơn nữa. Đồng lòng để đập tan những âm mưu thủ đoạn bành trướng của Trung Quốc, để cho Chính phủ Trung Quốc thấy cho dù là một quốc gia nhỏ bé nhưng Việt Nam không dễ bị bắt nạt, lại càng không thể trở thành quân cờ trong bàn tay chính trị của Trung Quốc.
Có thể nói, trong khu vực Đông Nam Á chỉ có Việt Nam là quốc gia duy nhất dám đương đầu trực diện với Trung Quốc. Mặc dù là hai quốc gia láng giềng có quan hệ lâu đời, hợp tác kinh tế lâu dài nhưng trước những hiểm hoạ mà anh bạn láng giềng đầy thủ đoạn, Việt Nam luôn cư xử ôn hòa, khéo léo, đồng thời tỏ rõ sự cứng rắn khi cần thiết. Chúng ta thực hiện hiện đại hoá quân đội, đặc biệt chú trọng phòng thủ hướng biển, phát triển có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện và khả năng kinh tế của đất nước. Việt Nam luôn thể hiện mình là một quốc gia yêu chuộng hoà bình; lựa chọn sự hợp tác hay đấu tranh - trên cơ sở tôn trọng các công ước, luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Vì vậy, việc trang bị vũ khí không phải là chứng tỏ sức mạnh quân sự hay chạy đua vũ trang, mà thực chất là sự chuẩn bị cho chiến tranh nhằm gìn giữ hoà bình, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thiết nghĩ, đây cũng là hoạt động bình thường của bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào khác trên thế giới khi phải sống cạnh những người ngoài mặt là bạn nhưng lại mang dã tâm của kẻ thủ. Thực tế lịch sử Việt Nam đã chứng minh rất rõ nét: Dân tộc Việt Nam chỉ cầm súng khi không còn lựa chọn nào khác.
Với quan điểm nhất quán: “Chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ.” - Nhà nước Việt Nam đã có những phát ngôn kiên quyết, mạnh mẽ nhằm khẳng định quan điểm của Việt Nam về vấn đề chủ quyền, biển đảo – cụ thể, trực tiếp là biển Đông. Trả lời phóng viên nước ngoài về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Câu trả lời của Thủ tướng Chính phủ đã nói lên tâm nguyện, quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam trong việc nỗ lực gìn giữ hòa bình song cũng sẵn sàng chiến đấu khi sức chịu đựng – vốn có giới hạn – bị phá vỡ.
Dân tộc Việt Nam chưa giàu mạnh, nhưng chưa bao giờ dân tộc Việt Nam khiếp sợ trước bất kỳ một thế lực và sức mạnh nào. Vì vậy cho dù Trung Quốc có là một cường quốc về kinh tế, quân sự; cho dù họ có sự ủng hộ của các quốc gia khác nhưng họ sẽ phải trả giá đắt khi xâm phạm vào lãnh thổ của Việt Nam mà trước hết họ đang nhận phải sự phản đối của dư luận thế giới với những hành động trên biển Đông. Với Việt Nam, chúng ta đã xác định phải đứng trên chính bàn chân của mình trong việc chống lại chủ nghĩa bá quyền, bành trướng của Trung Quốc. Sự ủng hộ của nhân dân thế giới và các quốc gia chúng ta trân trọng, gìn giữ, nhưng không thể vì thế mà dựa dẫm, ỷ lại. Trông cậy vào sự giúp đỡ của các quốc gia khác để giữ gìn Tổ quốc vào những thời điểm khó khăn sẽ được đổi lại là phải chịu sự điều khiển của họ khi chúng ta độc lập là một sự đánh đổi không cân bằng và hết sức sai lầm, tạo nên một kiểu hoà bình giả tạo, lệ thuộc. “Nước xa không cứu được lửa gần”. Việt Nam chỉ có thể được thế giới tôn trọng khi chúng ta giữ được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ bằng nội lực của chính mình, bằng khát vọng độc lập, tự do, bằng tinh thần yêu nước của toàn dân tộc.

No comments:

Post a Comment