Tuesday, May 13, 2014

40 năm. 8 tháng và ... Biển Đông

Liệt sỹ hi sinh tháng 6/1974, 39 năm em gái Liệt sỹ mòn mỏi tìm kiếm thông tin, đợi chờ, mong có ngày đón được anh trai mình về với quê cha đất tổ. Bao nhiêu cơ quan, bao nhiêu ngoại cảm đều mù tịt. May mắn tìm được thông tin LS từ nguồn thông tin của CCB, may mắn tìm được chỉ huy cũ của LS , từ đó tìm được mộ của LS đã quy tập về nghĩa trang, nhưng chưa có thông tin. Xin mẫu hài cốt giám định AND, 8 tháng sau mới ra kết quả: Khớp.

Gia đình dự kiến đợi kết quả bằng giấy và đón LS về quê vào khoảng tháng 6/2004. Tròn 40 năm LS hi sinh, gia đình mới được đoàn tụ.
8 tháng, 2 cô cháu gọi điện cho nhau, câu chuyện luôn rời rạc, ngắt quãng, toàn nước mắt. Dẫu sao, câu chuyện cũng kết thúc có hậu. Gia đình cô may mắn hơn hàng vạn gia đình LS khác.
Bố tôi, một CCB, ngồi nhậu với đồng đội, thường xuyên nói rằng: “Được sống, được trở về là lời lắm rồi”. Nói xong câu ấy, họ - những người may mắn trở về, mắt ai cũng ngấn nước.
Biển Đông nổi sóng, tối nào hai vợ chồng cũng ăn cơm, xem thời sự. Vợ hỏi “Nếu có chiến tranh sẽ ra sao hả anh?” “Anh là bộ đội xuất ngũ, phải lên đường thôi. Phải giữ đất này cho con cái, không để cho chúng nó phải làm nô lệ”. Vợ im lặng.
Thằng em, con liệt sỹ chống Pot, cũng bộ đội xuất ngủ ngồi nói chuyện. Bảo “Mày yên tâm, mày là con liệt sỹ, lại là con một, động viên không phải đi đâu”. Nó trả lời “Biết là thế, nhưng sao ngồi yên được. Động viên là em cứ lên đường thôi”.
Trong lịch sử phát triển của dân tộc, Việt Nam đã mất mát quá nhiều, gánh chịu quá nhiều hậu quả của chiến tranh. Vì vậy, hầu hết người dân Việt Nam đều muốn hòa bình, yên ổn để làm ăn sinh sống. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, không ai muốn thêm một lần nước mắt lại rơi; trừ những kẻ, đi ngược lại với mong muốn của toàn dân tộc.
Người Việt Nam, khi yên bình thì dễ xảy ra lục đục với nhau. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy thì những lục đục nhỏ mọn lại được hầu hết được dẹp bổ để đoàn kết lại, dân tộc Việt Nam trở thành một khối, sẵn sàng chống trả ngoại xâm. Nhà cửa sẵn sàng dỡ bỏ làm đường, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Máu còn không tiếc, tiếc gì chút tài sản. Từ đàn ông, đàn bà, người già, thanh niên, trẻ em đều sẵn sàng ra trận. “Còn cái lai quần cũng đánh”. Hơn lúc nào hết, càng khẳng định nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhận chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
Việc Cảnh sát biển, kiểm ngư kiên quyết ngăn chặn giàn khoan HD-981 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 bày tỏ sách lược đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế và chính sách kiên quyết, không khoan nhượng của Việt Nam về Biển Đông,  nhân dân cả nước tuần hành hòa phản đối hành động của Trung Quốc, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông minh chứng cho sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, sự tin tưởng của nhân dân đối với hành động của Nhà nước.  Quan trọng hơn, dân hiểu, Nhà nước làm như vậy cũng mong muốn giữ được hòa bình cho nhân dân.
Đồng hành, đoàn kết, tin tưởng vào hành động của Đảng và Nhà nước, các lực lượng chức năng là thể hiện ước vọng hòa bình, mong muốn biển Đông lặng sóng. Chính vì vậy, chúng ta không kêu gọi chiến tranh. Nhưng nếu Trung Quốc muốn dồn đất nước Việt Nam vào chiến tranh, chúng ta sẽ tặng họ một Bạch Đằng Giang, một Điện Biên Phủ trên biển. Chúng ta sẽ cho họ thấy chúng ta chưa run sợ trước bất kỳ một kẻ thù nào. Chúng ta LUÔN SẴN SÀNG.




No comments:

Post a Comment