Thursday, October 3, 2013

VỤ ÁN LÊ QUỐC QUÂN


Trước hết, phải khẳng định rằng có 2 cơ sở để xử lý Lê Quốc Quân (LQQ) về tội trốn thuế bao gồm:
1/ LQQ là người đại diện trước Pháp luật của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam. Ngoài ra, LQQ còn là một trong ba thành viên góp vốn vào Công ty với tỷ lệ vốn góp lên đến 75% nên chính LQQ là người được hưởng lợi nhiều nhất từ hành vi trốn thuế này.
2/ LQQ sử dụng quyền hạn được giao chỉ đạo cho nhân viên thuộc cấp thực hiện hành vi trốn thuế.


Tại sao lại truy cứu trách nhiệm hình sự với Lê Quốc Quân
Về bản chất của vụ việc là hành vi trốn thuế của Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện hành vi trốn thuế này là do LQQ đóng vai trò chủ mưu và trực tiếp thực hiện. Bộ luật hình sự nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ Chủ thể của tội phạm hình sự là con người (Thể nhân). Quy định này được thể hiện ở Khoản 1, Điều 8 – BLHS:
Điều 8. Khái niệm tội phạm
 1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Một trong những nguyên tắc của BLHS Việt Nam hiện nay là “cá thể hoá trách nhiệm hình sự” tức là trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với cá nhân chứ không phải với tổ chức. Đây là nguyên tắc pháp lý đòi hỏi các cơ quan xét xử phải xem xét tính chất và mức độ nguy hiểm đối với xã hội của tội phạm, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ để áp dụng hợp lí và có chọn lọc những biện pháp cưỡng chế hình sự và tố tụng hình sự đối với người phạm tội. Mục đích của nguyên tắc CTHTNHS là bảo đảm các biện pháp cưỡng chế, trong đó có hình phạt đối với từng người phạm tội một cách chính xác, công bằng, hợp lí. Áp dụng đúng đắn nguyên tắc CTHTNHS là tiền đề quan trọng để cải tạo, giáo dục người phạm tội và ngăn ngừa những người khác phạm tội. (Luật học).
Như vậy, việc đưa LQQ ra xử vì hành vi trốn thuế là hoàn toàn phù hợp với quy định của Pháp luật hiện hành.
Về án phạt dành cho LQQ.
Có một số người cho rằng việc xử phạt với LQQ là nặng và Luật không công bằng trong xử lý hình sự về tội trốn thuế. Trường hợp đưa ra làm dẫn chứng là hành vi trốn thuế của Công ty Phú Thái (11,2 tỷ đồng) mà người chịu trách nhiệm trước Pháp luật – ông Nguyễn Thạc Thanh (NTT) chỉ bị án treo, trong khi đó LQQ trốn thuế có hơn 600 triệu lại bị phạt tới 30 tháng tù.
Đối với khoản 3, điều 161 quy định:
Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Như vậy, hành vi trốn thuế hơn 645 triệu của LQQ và NTT đều được xét xử theo điều khoản này. Do vậy, không thể bàn thêm về số tiền trốn thuế ở đây mà chỉ tìm hiểu lý do tại sao một người hưởng án treo, một người bị phạt tù.
Trong quá trình xét xử , Toà án và Hội thẩm nhân dân sẽ thu thập các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng của bị cáo nhằm định khung hình phạt đối với bị cáo. Trong hai vụ án kể trên, giữa LQQ và NTT có những tình tiết sau đây để Toà áp dụng định khung hình phạt.
NTT: Trong quá trình điều tra đã khắc phục hậu quả (nộp lại số tiền trốn thuế), có thái độ thành khẩn, thể hiện thái độ ăn năn, hối cái. Có nhân thân tốt (chưa có tiền án, tiền sự). Có nhiều đóng góp cho địa phương.
LQQ: Đã từng bị xử lý tiền sự về tội gây rối Trật tự công cộng. Là luật sư, có trình độ hiểu biết Pháp luật cao nhưng cố tình vi phạm, lợi dụng sự hiểu biết để trục lợi.
            Việc sử dụng các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trong quá trình xét xử là nhằm đảm bảo tính công bằng trong xét xử. Ở đây ta thấy NTT có nhiều động thái tích cực trong việc nhận trách nhiệm, khắc phục hậu quả nên việc được hạ khung xét xử là điều cần thiết để minh chứng cho sự khoan hồng của Pháp luật. Đối với LQQ, là một người hiểu rõ luật hơn NTT mà còn cố ý vận dụng để làm trái, ngoài ra đã từng bị xử lý tiền sự mà không lấy việc đó răn đe bản thân mình mà ngược lại còn vi phạm thêm, như vậy toà xử đúng khung là hoàn toàn hợp lý.
            Như đã nói ở trên, với các hành vi phạm tội cụ thể của mình, đối với cá nhân LQQ và Nhà nước Việt Nam đây đơn giải chỉ là một vụ án hình sự về tội trốn thuế. Nếu LQQ là người khác thì người ta cùng lắm chỉ đặt dấu hỏi là tại sao trốn thuế ít như vậy mà bị tù giam so với số tiền mà NTT đã trốn thuế lại chỉ án treo. Và sau khi giải thích những điều như trên thì nhiều người cho rằng mức án dành cho LQQ là phù hợp.    
            Tuy nhiên, tại sao LQQ lại được dư  luận quan tâm nhiều đến như vậy nếu như LQQ không gắn vào mình cái mác dân chủ, một thứ bùa hộ mệnh giúp LQQ kiếm tiền và xây dựng hình tượng trong những kẻ đang kêu gào dân chủ ở Việt Nam. Chính vì vậy, trong phiên xử của LQQ, những kẻ đó rồng rắn kéo đến toà án. Mang theo những khẩu hiệu “hoành tráng” để đòi công lý cho một kẻ “trốn thuế”. Phải chăng trốn thuế mới là công lý, trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước mới là dân chủ, là “lương tâm”?
            Hãy nhìn về miền Trung, nơi cơn bão số 10 đang hoành hoành, nơi cả một xóm không còn một chỗ trú chân, nơi lớp người chết, lớp người bị thương? Có ai trong đoàn người ấy nghĩ đến họ? Thế mà cũng đòi tự do, dân chủ và công bằng?
Những kẻ đang kêu gào cho LQQ cũng chỉ vì những đồng tiền nhơ bẩn mà xuyên tạc, bôi nhọ chế độ. Chính bản thân họ, mờ mắt vì lợi ích cá nhân của mình mà quên đi lợi ích của cả một dân tộc? Xuyên tạc, nói láo về một vụ án hình sự để kêu gọi các nhà nước khác can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam là hành động gì? Điều mà những kẻ này muốn không phải là dân chủ, nhân quyền mà chính là sự bất ổn về chính trị của Việt Nam để kiếm ăn, không phải vụ án hình sự LQQ mà chỉ là hình ảnh bù nhìn dựng lên để lấy điểm với các tổ chức hải ngoại đang chống phá Việt Nam.
Tại sao lại phải lôi kéo cả hình ảnh của một tôn giáo lớn để can thiệp vào công việc của chính quyền. Nếu là một linh mục hiểu đạo lý thì phải biết rằng đâu là đời, đâu là đạo; đâu là phần hồn, đâu là phần xác? Nếu linh mục chỉ với tư cách người dân bình thường, không mặc áo chùng đen thì thực sự được bao nhiêu giáo dân đi theo để biểu tình? Lợi dụng tôn giáo để gây áp lực đối với cơ quan chính quyền, đối với nước ngoài, hình phạt sẽ như thế nào? Các linh mục đều được đào tạo ở nước ngoài chắc hiểu rất rõ.
            Tại sao tất cả những kẻ đó không đấu tranh cho NTT (một người cũng bị truy tố về tội trốn thuế), không kêu gào cho Phạm Thị Phương (đồng phạm của LQQ)? Hay là những người đó không có giá trị lợi dụng, không thể kiếm ăn được?


            Hành động cổ vũ cho những việc làm gian lận trái pháp luật là những hành động không thể chấp nhận. Những hành động này đi ngược lại với lợi ích của Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Những lập luận xuyên tạc mà những kẻ lợi dụng dân chủ, tự do tôn giáo này đưa ra chỉ nhằm mục đích đả phá nhà nước Việt Nam, phá hoại sự ổn định về chính trị, sự đoàn kết toàn dân tộc. Những hành động này cần lắm sự can thiệp nghiêm minh của Pháp luật để dập tắt những mầm mống phản loạn, tạo sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội.

No comments:

Post a Comment