Tuesday, October 15, 2013

Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị - thủ đoạn mới của các nhà dân chủ

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc thực hiện quyền con người, đồng thời có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức. Những vụ việc liên tiếp được công bố rộng rãi trên báo chí thể hiện quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức. Mặc dù vậy, những vụ việc đó dưới con mắt của một số người chống đối chế độ trở thành miếng mồi ngon để “xào nấu”, chế biến thành những luận điệu xuyên tạc, đả phá chế độ, bôi đen đội ngũ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tâm lý tiêu cực trong một bộ phận người dân, tiến tới các hoạt động lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị.

Trong những năm gần đây, ngược lại với xu hướng chung của toàn dân tộc, nổi lên một số kẻ tự xưng là “đấu tranh cho phong trào dân chủ”, được sự hậu thuẫn của một số tổ chức, hội đoàn nước ngoài có sự thù địch với Nhà nước Việt Nam đã liên tục đưa ra các luận điệu nhằm công kích chính quyền, phủ nhận mọi công lao của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đưa ra yêu cầu xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp, Tuyên bố 72, Tuyên bố 258 nhằm yêu sách huỷ bỏ những Nghị định, Luật mà Nhà nước, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xây dựng với mục đích điều chỉnh hành vi con người, tiến tới xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Những yêu sách đi ngược lại với lợi ích của dân tộc nên trở thành lạc lõng giữa ý chí và sự quyết tâm của đại đa số nhân dân Việt Nam; chính vì vậy, đám người đó liên tục thay đổi các phương thức hoạt động nhằm quyết tâm thay đổi chế độ, xoá bỏ thành tựu do Nhân dân Việt Nam đã giành được từ tay ngoại xâm. Và luận điệu mới nhất mà đám người này tung ra là “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”, kêu gào tham gia “Diễn đàn dân sự xã hội”.
Vậy khái niệm dân sự là như thế nào?
Theo một số học giả và tổ chức nước ngoài, khái niệm XHDS (civil society) xuất hiện sớm nhất ở nước Anh, và được hiểu là việc những con người sống trong cộng đồng. Theo lý thuyết của Scottish (thế kỷ XVIII), XHDS có nghĩa là xã hội văn minh với một nhà nước không độc đoán. Ðến thế kỷ XIX, Hegel mô tả XHDS như là một phần của đời sống đạo đức, bao gồm ba yếu tố gia đình, XHDS và nhà nước, trong đó các cá nhân theo đuổi những lợi ích riêng trong giới hạn đã được pháp luật thừa nhận... Theo tổ chức Liên minh thế giới vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) - một tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Nam Phi, XHDS là "diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung". Cùng với khái niệm XHDS, còn có một số cụm từ, khái niệm khác có liên quan, như: "xã hội công dân" (citizens society - CS), "tổ chức XHDS" (Civil Society Organization - CSO), "tổ chức phi chính phủ" (Non governmental organization - NGO)... Ðây là những khái niệm ra đời từ các chủ thể khác nhau nhưng lại có liên quan chặt chẽ, trong đó nổi bật là quan niệm không có NGO (tổ chức quần chúng, hội, đoàn thể...) thì không thể hình thành XHDS.  Trong một xã hội, nếu có nhiều tổ chức NGO hoạt động mạnh thì sẽ có XHDS phát triển và ngược lại. Nhìn từ cấu thành cơ bản một xã hội với ba thành phần là nhà nước, doanh nghiệp và XHDS, một số nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng, nếu ba yếu tố này cân bằng thì xã hội, chế độ chính trị sẽ ổn định, phát triển hài hòa. Ngược lại, nhà nước mạnh sẽ dẫn tới chế độ độc tài, nếu XHDS mạnh, thì sẽ dẫn tới vô chính phủ, bất ổn về xã hội và chế độ sẽ sụp đổ. Ðây chính là lý do để các thế lực thù địch quan tâm nghiên cứu, vận dụng, nhằm lợi dụng vai trò của XHDS trong hoạt động lật đổ một chế độ như họ đã thực hiện tại một số nước trong thời gian qua. (dangcongsan.vn)
Như vậy, có thể nhận thấy một cách cơ bản, thông thường nhất thì XHDS bao gồm hội đoàn, các tổ chức phi chính phủ (NGO) tự nguyện của người dân. Ở Việt Nam, các tổ chức này đăng ký rất nhiều, lên tới hàng ngàn đơn vị (Tổ chức KOTO, Phẫu thuật Nụ cười, Làng trẻ em SOS, các tổ chức từ thiện….). Ngoài ra còn có năm tổ chức chính trị-xã hội gồm: Hội LHPN Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội CCB Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đây là các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặc dù các tổ chức này nằm trong hệ thống chính trị nhưng không phải là các cơ quan chính quyền mà đại diện cho quyền lợi tiếng nói của các tầng lớp xã hội. Có điểm khác so với các tổ chức XHDS như trên là năm tổ chức trên có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm “củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới”. Đây là điểm khác biệt cơ bản và tạo ra ưu thế hơn hẳn so với hình thái XHDS của các nước Phương Tây.
Phân tích như trên để thấy rằng, khái niệm cũng như các hoạt động của XHDS không quá xa lạ đối với mỗi người dân Việt Nam và hầu hết nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay đều đang tham gia vào các hoạt động XHDS. Chỉ có điều hiện chúng ta chưa gọi đúng tên của khái niệm XHDS. Đồng thời, qua những đặc điểm như trên thì không cần thiết phải cần đến cái “Tuyên bố” và “Diễn đàn” rất “cao cả” mà một số kẻ đang rêu rao.
Thực chất vấn đề ở đây là gì?
Trước hết, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng những người ra “Tuyên bố” đã mập mờ khi không công khai các khái niệm, giải thích thuật ngữ mà chỉ đưa ra những kiến giải chung chung nhằm che giấu đi mục đích của mình khi tung ra một thuật ngữ có vẻ “mới mẻ” và “cấp tiến” cho một thực thể đã trở thành bình thường và quen thuộc trong xã hội Việt Nam hiện nay. Điều này, gây ảo tưởng cho một bộ phận không nhỏ những người chưa quen thuộc với những khái niệm này về sự tốt đẹp của nó mà những người ra “Tuyên bố” đó đã vẽ ra.
Ngay từ đầu, họ đã tuyên bố: Diễn đàn trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa. Như vậy, ở đây mục đích chính của họ đã thể hiện rõ mưu toan lật đổ thể chế chính trị, tương tự như yêu cầu xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp nhưng với giọng điệu mập mờ hơn. Bên cạnh đó, mặc dù khẳng định là “ôn hoà” nhưng lại “Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm của công dân, thẳng thắn tranh luận và đối thoại, từ bỏ cách đối xử không công bằng, không minh bạch và không đường hoàng như đã và đang áp dụng đối với những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp và những tiếng nói đòi dân chủ khác với quan điểm của nhà cầm quyền” giống như Tuyên bố 258 mà họ đã ký vào, trong khi đó bản tuyên bố 258 đã bị cộng đồng mạng phản bác khiến họ phải run sợ và đề nghị “đối thoại” với những người phản bác luận điệu này.
Những người ra Tuyên bố “ôn hoà” nhưng lại bày tỏ thái độ công kích Đảng và Nhà nước Việt Nam qua những lời lẽ “không đúng với tư cách chính đáng của một nhà cầm quyền”, “thể chế này đã tạo nên một bộ máy cầm quyền có nhiều quyết sách sai trái và quan liêu, tham nhũng nặng”; một “bộ phận không nhỏ” “ làm giàu bằng nhiều thủ đoạn bất minh” “hình thành các nhóm lợi ích bất chính”, “ Không ít người trong giới cầm quyền các cấp cùng với các nhóm lợi ích và sự hậu thuẫn của thế lực bên ngoài đang dựa vào bạo lực cùng nhiều thủ đoạn không chính đáng để duy trì quyền thống trị đất nước theo thể chế toàn trị”. Đọc vào những lập luận đó, thấy rõ rằng những người này chỉ chăm chăm bới móc vào một số vụ việc tiêu cực mà bỏ qua những thành quả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã đạt được. Mục đích của họ ở đây, không phải là tạo ra một xã hội ôn hoà, mà nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phủ nhận sự lãnh đạo, công lao của Đảng và Nhà nước, tạo ra bức xúc và bất ổn trong xã hội. Đây cũng là mục đích của những thế lực thù địch đang chống phá đất nước.
Với cách làm và phát ngôn của như vậy, có thể khẳng định rằng, những người đưa ra “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị” thực tế chỉ khoác một cái áo mới cho những luận điệu đã bị lên án. Việc gây ra những thông tin mù mờ, tạo ra vỏ bọc “ôn hoà” và “bất bạo động” vẫn chỉ là những thủ đoạn để che dấu các âm mưu gây bất ổn về chính trị, bạo loạn, lật đổ nhà nước hợp hiến. Họ sử dụng Internet như một công cụ để kết nối những nối thông tin thất thiệt, đả phá, xuyên tạc Đảng và Nhà nước, từ các hoạt động trá hình nhằm thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” sẽ dẫn đến “Diễn biến không hoà bình” “cách mạng nhung” “cách mạng màu” nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Để ngăn chặn và phòng ngừa những luận điệu của những người đưa ra “Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị”. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam cần nâng cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề XHDS của các thế lực thù địch. Tăng cường công tác tuyên truyền về các âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức thù địch lợi dụng vấn đề XHDS chống phá ngay từ bên trong đất nước. Bên cạnh đó, kiên quyết loại bỏ tình trạng quan liêu, tham nhũng, lợi ích nhóm nhằm tạo sự đồng thuận và tin tưởng hơn trong toàn dân để bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đạt được.

Nguồn tham khảo:
* Báo Quân đội Nhân dân
* Báo Công an Nhân dân
* Báo Tuổi trẻ.



No comments:

Post a Comment