Wednesday, January 24, 2018

Hải chiến Hoàng Sa - trò chơi của nước lớn.



Có một số người bạn của tôi chia sẻ thông tin kỷ niệm ngày diễn ra cái gọi là “Hải chiến Hoàng Sa” để tỏ lòng căm phẫn, thực tế để thỏa mãn cái mà tôi gọi là “tinh thần dân tộc cực đoan” trong chính bản thân họ. Họ chia sẻ để nhắc nhở cho mình và bạn bè về tội ác của Trung Quốc trong việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Nhắc về nỗi căm hận của họ với Trung Quốc.
Thứ nhất, trong quan điểm của mình, bản thân tôi cho rằng bản năng và khát khao xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung cho đến giờ vẫn chưa bao giờ cạn. Hơn 1000 năm nay, họ vẫn dòm ngó và tìm mọi cách để có thể xâm lược và quản lý Việt Nam, nhưng hiện nay vẫn chưa thể nào có được con bài để có thể đánh chiếm Việt Nam hiệu quả. Đặc biệt, dưới chính sách ngoại giao mềm mỏng của Đảng và Nhà nước Cộng hòa XCHN Việt Nam thì những “lá bài” Trung Quốc tung ra càng thiếu hiệu quả.
Có thể bạn cảm giác những thông tin như tôi nói ở trên là buồn cười. Tuy nhiên, nếu xem xét lại quá trình quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc giai đoạn từ 1954 trở lại đây, chúng ta rất dễ dàng nhìn thấy sự uyển chuyển của Việt Nam trong những thời điểm nhạy cảm. Việc thực hiện nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” thể hiện rõ ràng và chứng minh hiệu quả trong việc đối xử với Trung Quốc trong thế kỷ vừa qua.

VỀ CÁI GỌI LÀ “HẢI CHIẾN HOÀNG SA”
Tại sao “Hải chiến Hoàng Sa” được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn gần đây có 2 lý do:
 Lý do thứ nhất chính là “tư duy dân tộc cực đoan” “tư duy bài Tàu” mà tôi đã nhắc ở trên.
Và lý do thứ hai chính là do lỗi của Tuyên giáo khi thực hiện sai Nghị quyết 36 của Trung ương về “hòa giải, hòa hợp dân tộc”. Việc thả cửa cho các cơ quan báo chí sử dụng những tư liệu cũ của ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa không qua kiểm định, không đánh giá tư liệu chính xác dẫn đến sai lệch thông tin, ngộ nhận về bản chất của vấn đề.
Tùy theo mức độ trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào cuộc chiến tranh Việt Nam, mỗi một quốc gia có những sự tính toán nhất định. Với Trung Quốc, họ sẽ không hề muốn Việt Nam chiến thắng mà cần một quốc gia “vệ tinh” phụ thuộc vào họ, và sẽ phải nghe lời họ. Vì vậy, họ luôn tìm cách hạn chế, chi phối Việt Nam. Và khi “cảm giác” người Việt Nam, mà cụ thể là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không nghe lời, họ sẵn sàng tìm một đối tác mới để có thể khống chế quyết tâm giải phóng Việt Nam của người Việt. Mà cụ thể ở đây là người Mỹ; đối thủ chính của người Việt tại chiến trường Việt Nam.
21/2/1972, sau sự kiện được gọi là “ngoại giao Bóng bàn”. Tổng thống Hoa Kỳ là Richard Nixon đã chính thức thăm Trung Quốc. Trong lịch sử ngoại giao, sự kiện này được coi là “sự kiện quan trọng trong lịch sử ngành Ngoại giao hiện đại. Chuyến thăm lịch sử đánh dấu sự thay đổi cục diện thế giới, biến "cái bắt tay lịch sử giữa lãnh đạo hai nước bên kia Thái Bình Dương" thành hiện thực và đánh dấu sự khởi đầu cho một kỉ nguyên mới”.
Cho dù mục đích chính chuyến thăm của Richard Nixon tới Trung Quốc là một động thái được tính toán để gây chia rẽ sâu sắc giữa hai cường quốc cộng sản quan trọng nhất (Liên Xô và Trung Quốc). Mỹ có thể sử dụng quan hệ ngoại giao gần gũi hơn với Trung Quốc như là đòn bẩy trong việc đối phó với Liên Xô, đặc biệt về vấn đề Việt Nam.
Chuyến thăm này trong bối cảnh Hoa Kỳ đã sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh bị sụp đổ và phải chấp nhận đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định Paris. Hoa Kỳ cần 1 chiến thắng trong danh dự để gỡ gạc, để áp đảo kết quả trên bàn đàm phán. Chiến thắng này, cần phải thực hiện ở miền Bắc Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Muốn đảm bảo được chiến thắng trên bầu trời Hà Nội, Mỹ cần Bắc Kinh không can thiệp quân sự vào Việt Nam, hạn chế cung cấp để gây khó khăn cho Việt Nam.
Trung Quốc, với mong muốn vươn lên vị trí dẫn đầu khối XHCN, soán ngôi vị Liên Xô, đồng thời bành trướng lãnh thổ, khống chế khu vực Đông Nam Á, cũng nhanh chóng bắt tay với Mỹ để mặc cả. Mỹ rút, Trung Quốc thay thế là kịch bản mà Trung Quốc đang mong muốn.
Chính vì vậy, sau chuyến viếng thăm này, không khó có thể nhận thấy những hành động bất lợi của Trung Quốc nhằm ngăn cản ý chí thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Điều này, thể hiện rõ trong nhận định của những nhà phân tích quốc tế về thái độ của Trung Quốc sau chuyến thăm của TT Hoa Kỳ.
Trong bài viết “Năm 1972 trong lịch sử cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước” của tác giả Hà Minh Hồng cũng nói rõ: thì "mưu toan" của Mỹ trong chính sách ngoại giao nước lớn là: buộc Trung Quốc cắt giảm viện trợ cho Việt Nam (tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), hòng ngăn chặn cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta (tức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) ở miền Nam.
Và rõ ràng, Việt Nam đã trở thành con cờ để Mỹ và Trung Quốc thỏa thuận với nhau, bắt tay với nhau. Tất nhiên chuyện “bánh ít đi, bánh quy lại” cũng là điều dễ hiểu.
Cụ thể, ngay cuối trong năm 1972, Trung Quốc đã có những động thái ngăn trở chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam, ngó lơ khi Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, và đặc biệt trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” – phía Mỹ gọi là Linebacker II.
Bạn có thể tin hay không, nhưng chắc chắn rằng đối với Mỹ và Trung Quốc, sau chuyến thăm lịch sử này đã khẳng định câu nói: “Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Tất nhiên, để đổi lại sự an toàn, tự do đánh phá miền Bắc Việt Nam nhằm tìm kiếm một “chiến thắng trong danh dự”. Mỹ sẵn sàng và chấp nhận trả cho Trung Quốc một cái giá nào đó.
Cái giá đó là : HOÀNG SA.
Việt Nam Cộng hòa – con rối của Mỹ dựng lên chưa bao giờ được coi là một chính thể hợp pháp. Bởi bản chất của nó chỉ là những kẻ làm thuê, đánh thuê phục vụ cho nhu cầu chính trị của Mỹ và các nước tư bản. Được điều hành, huấn luyện, trả lương bởi chính Hoa Kỳ. Bản thân VNCH chưa bao giờ có một ý chí tự chủ, chưa bao giờ có khái niệm về cái gọi là “Chủ quyền, độc lập dân tộc”. Cụ thể ở chính ngay phát ngôn của “Tổng thống bù nhìn” Nguyễn Văn Thiệu khi tuyên bố "Nếu Mỹ mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một năm mà chỉ sau 3 giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc Lập!"
Tiến sĩ James Carter, giáo sư sử học tại Đại học Drew (Mỹ), trong sách Inventing Vietnam: The United States and State Building, 1954-1968 (dịch ý: Quá trình phát minh Nam Việt Nam: Hoa Kỳ và quá trình xây dựng Nhà nước VNCH, 1954-1968), do NXB Đại học Cambridge (Anh) xuất bản năm 2008, đã ghi rõ như thế này: “Chính thể Sài Gòn không thể tự nuôi nổi chính mình; thậm chí không thu đủ lợi tức cho hoạt động hàng ngày. Họ phải phụ thuộc vào viện trợ Mỹ.”“Từ trước đó, giới chức đã thôi nói về xây dựng quốc gia, cải cách điền địa, dân chủ, minh bạch. Thay vào đó, họ bàn về một cuộc chiến phải thắng trước những kẻ thù của nhà nước hư cấu ‘Nam Việt Nam’ (fictive state). Quỹ đạo này của chính sách Mỹ khiến người ta gần như không thể nói thật về những thành công, thất bại, đặc biệt là với các nhà hoạch định chính sách. Chưa bao giờ Hoa Kỳ đạt tới điểm khi chính thể Sài Gòn có thể tự mình tồn tại mà không nhờ viện trợ Mỹ.
Trong cả hai cuộc chiến, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn trao đổi, bày tỏ phản đối, muốn giải quyết vấn đề gì, muốn đề xuất việc gì thì tìm Pháp – Mỹ nói chuyện, những người có thực quyền. Trong hội nghị Paris về Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ đàm phán với Mỹ và chưa bao giờ đàm phán, nói chuyện với bên bù nhìn của Mỹ.
Trong hội nghị Paris về Việt Nam, việc chấp nhận cho Nguyễn Văn Thiệu tham gia tranh cử để thành lập chính phủ liên hiệp 3 thành phần ở miền Nam cùng với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (lực lượng thứ ba) là một sự nhượng bộ lớn về pháp lý và đạo lý chỉ vì đại cuộc.
Như vậy ngay cả hiệp định Paris 1973 cũng chỉ coi chính quyền Sài Gòn như là một thành phần chính trị gần ngang bằng với Chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN và Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, như một phe phái được phép tham gia tranh cử với chính phủ cách mạng lâm thời và lực lượng thứ ba.
Cái được gọi là Việt Nam Cộng hòa, chỉ có thể là một lực lượng chính trị, đại diện cho Mỹ quản lý phần đất phía Nam của Việt Nam theo chế độ thực dân mới. Do đó, Mỹ mới là kẻ xâm lược, chiếm đóng trái phép phần lãnh thổ phía Nam của Việt Nam.
Bởi là kẻ xâm lược, để đạt được mục đích của mình “rút lui trong danh dự”,  một chiến thắng để xoay ngược kết quả đàm phán Paris thì việc Mỹ nhượng phần đất Hoàng Sa cho Trung Quốc để thực hiện mưu đồ của mình là một điều dễ hiểu. Bởi đó là phần đất xâm lược, đối với Mỹ, có hay không, đến lúc này đã không quan trọng.
Cái Mỹ cần – là vớt vát chút DANH DỰ trong chiến tranh Việt Nam.
Ngay cả những tướng lính, chính khách của VNCH cũng công nhận ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa chỉ là những con rối bị Mỹ thao túng. Thể hiện nhất là việc Nixon đã nói với Kissinger: "Không thể để có cái đuôi chó phản lại cái đầu con chó được”. Nhưng đó là R.Nixon ám chỉ chính quyền VNCH dám ngăn cản, phá đám Hiệp định Paris mà Mỹ đã ký với Việt Nam.
Với Hoàng Sa, khi Mỹ đã ra lệnh cho chính quyền VNCH nhường đất cho Trung Quốc thì đố dám cãi. Và để hợp pháp việc bán Hoàng Sa cho Trung Quốc của Mỹ thì chính quyền VNCH bắt buộc phải diễn một vở kịch có tên: “HẢI CHIẾN HOÀNG SA – 1974” để chạy tội bán nước, bán đảo.
VỞ KỊCH “HẢI CHIẾN HOÀNG SA”
Vào đầu tháng 1/2014, một số báo chí Việt Nam như: Tuổi trẻ, Thanh niên, Vnexpress.net, Vietnamnet.vn… đồng loạt đưa tin về trận “Hải chiến Hoàng Sa” 40 năm trước. Hầu hết các tư liệu này được lưu trữ và sử dụng làm Tài liệu : "Thế giới lên án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hòa", Tổng cục chiến tranh chánh trị, Cục tâm lý chiến, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, 1974 và của ông Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc.
Tất cả báo chí khi thông tin về trận chiến này đều cố ý tô đậm những chi tiết được coi là “bảo vệ chủ quyền” của những binh lính VNCH tham gia cuộc chiến, nhưng lại “vô tình hoặc cố tình” bỏ quên, hoặc đưa xuống bài thứ yếu (báo Thanh niên) bài viết của ông Lê Văn Thự (thuyền trường tàu HQ 16) về sự thực cuộc “Hải chiến Hoàng Sa” mà ông ta là người trực tiếp tham gia.
Theo đó, cuộc Hải chiến Hoàng Sa khác hoàn toàn những gì mà tài liệu của “Cục chiến tranh tâm lý VNCH” và ông Hà Văn Ngạc viết. Ông Lê Văn Thự có viết: “Tiếp đến HQ-10 báo cáo Hạm trưởng bị thương. Tôi ra lệnh Hạm phó lên thay quyền chỉ huy, đồng thời đặt ống nhòm nhìn sang HQ-10 tôi thấy một ngọn lửa nhỏ cháy ở đài chỉ huy có thể dập tắt được bằng bình CO2 mà sao không ai làm. Quan sát phía sau lái HQ-10 tôi thấy 4, 5 cái đầu nhấp nhô trên mặt biển. Tôi không biết chuyện gì xảy ra trên HQ-10 vì không nghe báo cáo gì thêm. Tôi đoán chừng vì Hạm trưởng bị thương nặng nên HQ-10 như rắn mất đầu. Một số nhỏ nhát gan sợ tàu cháy hay trúng đạn nổ nên đã nhảy xuống biển. Nhưng HQ-10 vẫn nổi bình thường, thăng bằng, không nghiêng một chút nào cả.”. Thậm chí, trong bài viết của mình ông Thự còn nói rõ tàu của ông Hà Văn Ngạc còn “bắn lạc” vào tàu của HQ 10 và HQ 16 (??)
Trong bài viết của mình, ông Lê Văn Thự nói rõ ràng mặc dù 4 tàu của VNCH lúc đó được đặt dưới sự chỉ huy của ông Ngạc, tuy nhiên, ông Thự chỉ tiếp nhận duy nhất lệnh đổ bộ người nhái của ông Ngạc lên đảo Quang Hoà. Từ đó cho đến khi kết thúc trận chiến, ông Thự không nhận được bất kỳ một lệnh nào của ông Ngạc, đồng thời, trong tường thuật của ông cũng thể hiện chỉ có HQ-10 và HQ-16 (Phân đội II) độc lập tác chiến, không có sự hỗ trợ của Phân đội HQ-4 và HQ-5 (Phân đội I).
Bên cạnh đó, trong bài viết của mình, ông Thự còn khẳng định : “Sự thật HQ-4 và HQ-5 chẳng bị trầy một mảnh sơn nào cả. Cả Hải quân đều biết. Vì thế cho nên chỉ một mình HQ-16 được tiếp đón ở Sài Gòn và gắn huy chương chứ không có Đại tá Ngạc hay HQ-4 và HQ-5”. Như vậy vai trò của HQ-4 và HQ-5 trong trận chiến này là gì ?
Có báo còn tìm tòi được một vị lính ngụy cũ là thượng sĩ Lữ Công Bảy (HQ-4) “HQ-4 lùi ra dùng mũi tàu ủi thẳng tàu TQ. Mũi HQ-4 và neo vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái của tàu TQ. HQ-16 cũng quyết liệt như vậy”.
Trong bài viết của mình, ông Thự lại nói hoàn toàn ngược lại khi cho biết : “Tôi phải ngưng máy, vận chuyển để tránh đụng tàu. Nhưng cả hai tàu cũng cọ vào nhau làm dẹp một số trụ căng dây an toàn chung quanh tàu Trung Cộng và làm rách bè nổi của tàu Trung Cộng” Ở đây, có thể thấy rõ cách thể hiện hoàn toàn khác nhau về việc đụng độ của tàu VNCH với tàu Trung Quốc.
Với số lượng tàu và vũ khí áp đảo (các tàu HQ-5, HQ-10, HQ-16 đều có vũ khí mạnh hơn 3 tàu của Trung Quốc, tàu HQ-4 các súng đều sử dụng bằng điện, tốc độ bắn nhanh, radar có tầm xa, vận tốc chiến hạm cao). Nhưng HQ-4 lại không tham chiến, HQ-5 thì lại bắn vào HQ-16, bên cạnh đó, ông Thự có đặt ra giả thuyết là hạm trưởng HQ-10 có thể bị trúng đạn do HQ-5 bắn vào. Như vậy, với khoảng cách khá giữa các tàu tham chiến lý do nào HQ-5 lại “bắn lạc” vào quân ta (?) Trong khi ông Ngạc lại khẳng định rằng “nhìn thấy các dàn hoả tiễn” trên tàu Trung Quốc (khoảng cách gần – NV). Đây là điều hết sức vô lý, hoặc có thể HQ-5 “cố tình tiêu diệt HQ-10 và HQ-16 (?)”.
Một điều hết sức mâu thuẫn mà ông Thự băn khoăn là việc sai nguyên tắc chỉ huy đối với Phân đoàn 1. Theo đó, ông Vũ Hữu San là trung tá, hạm trưởng HQ-4 lại chỉ huy ông Đại tá Ngạc (trên HQ-5) theo chỉ thị của ông Ngạc. Thông thường, người chỉ huy cao nhất sẽ thực hiện toàn bộ việc chỉ huy các tàu trong hạm đội trên soái hạm. Như vậy, theo nguyên tắc thì HQ-5 sẽ đóng vai trò soái hạm và ông Ngạc sẽ thực hiện chỉ huy tác chiến đối với các tàu khác. Phải chăng, ông Ngạc đã biết một điều gì đó nên đã giao nhiệm vụ cho ông San nhằm đổ trách nhiệm cho ông này nếu sự việc đó xảy ra ?
Quá trình tác chiến không thống nhất, đồng bộ như : không nắm rõ nhiệm vụ để phối hợp, không có kế hoạch hành quân, không có phương án liên lạc thay thế, thực hiện đổ bộ đánh chiếm đảo nhưng không chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ và thực phẩm, không có cứu thương đi kèm, không họp rút kinh nghiệm sau trận chiến tạo sự nghi vấn cao điểm đối với bất kỳ một sĩ quan tác chiến nào nếu xem xét kỹ trận chiến.
Một vấn đề cần lưu ý khác là sau khi trận chiến xảy ra, HQ-4 và HQ-5 chạy sang Phillipines chứ không quay trở ngược lại Việt Nam. Chỉ có HQ-16 của ông Thự trở về với “thương tích đầy mình”. Phải chăng việc chạy sang Phillipines với lý do “sửa chữa tàu” nhằm mục đích che dấu việc HQ-4 và HQ-5 không bị một vết đạn nào như lời ông Thự nêu?
Phải chăng, việc đưa hai phân đoàn ra thực hiện nhiệm vụ nhằm một mục đích khác ? Những người trong Bộ tư lệnh Hải quân VNCH và đại tá Ngạc hoàn toàn biết kết quả của trận chiến, thậm chí, sẵn sàng hi sinh HQ-10 và HQ-16 với một mục tiêu nào đó ? Trong bài “Biển Đông dậy sóng” ông Trần Bình Nam có viết : “Đại tá Ngạc biết có một cái gì đó sau lưng trận đánh nên ông đã dè dặt trong đôi lời trước khi viết rằng ông chỉ “tường thuật trung thực những chi tiết theo khía cạnh của một người chỉ huy chiến thuật””.
Với những vấn đề nêu ở trên, có thể nhận thấy trận chiến khu vực Hoàng Sa ngày 19/1/1974 nằm ở một góc độ sắp xếp có chủ ý của phía VNCH. Theo đó, sau khi bị “ông chủ” Hoa Kỳ buộc phải nhường quần đảo cho Trung Quốc. VNCH đã rút dần khỏi các đảo đang chiếm đóng.
Để mị dân, phía VNCH chỉ đạo 4 tàu chiến tham gia, trong đó, có 2 tàu sẽ là “tốt thí”; hai tàu còn lại cũng tham chiến nhưng thực chất là tiêu diệt chính đồng đội của mình để ngụy tạo chứng cứ, chứng minh thái độ “ yêu nước” qua việc “lên án Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa” bằng tư liệu của bộ máy tâm lý chiến của VNCH che dấu sự yếu kém, bất lực của quân đội VNCH , che dấu việc bán nước, bán đảo theo lệnh chủ.
Thực tế, nếu giải đáp theo hướng này có thể chứng minh một cách chính xác và hùng hồn nhất những nghi vấn khó giải thích ở trên.
HQ10, HQ16 có anh dũng chiến đấu như những tài liệu mà bộ máy tâm lý chiến của VNCH ngụy tạo?
Chuẩn úy Tất Ngưu là người học Khóa 2 - trường Hàng Hải Thương Thuyền (HHTT) – Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Việt Nam. Trong trận Hải chiến Hoàng Sa ông ta phục vụ trên tàu HQ10 (bị đắm). Và dưới đây là những dòng nhật ký của ông ta về trận chiến này:
“Trên tầu anh em xôn xao căng thẳng, chỉ chờ một hiệu lệnh tác xạ ban ra là những viên đạn vô tri này sẽ phá tan một hòn đảo nhỏ bé ngoài khơi, và bao nhiêu nhân mạng trên đảo sẽ bị chôn vùi dưới lòng đại dương.
Trông chờ mãi, khẩu lệnh vẫn chưa được ban hành,  thủy thủ đoàn có phần nản chí, không còn vẻ hăng say của thoạt đầu, xem những cuộc quần thảo giữa địch và ta như trò đùa.   Anh em trở nên chán ngán, quên hẳn sự căng thẳng giữa địch và ta, bẵng đi việc sẵn sàng của nhiệm sở tác chiến. Một số nhỏ hớ hênh để súng cá nhân xuống sàn tầu rồi cùng trò chuyện vui đùa với nhau.”
Sau khi bị đắm tàu và nhảy xuống biển thì:
“Ồ ! HQ16 , anh Thương hãy đánh SOS cho họ đến tiếp cứu!”
“Chúng tôi đánh hiệu bằng cờ, nhưng HQ16 đã quay đầu đi thẳng trong sự thất vọng hoàn toàn của chúng tôi.” 
Trong nhật ký ghi rõ ràng có 4 tàu chiến Trung Quốc đan xen khiêu khích, thậm chí có lúc muốn đâm thẳng vào HQ10. Nhưng với những thông tin như trên cho thấy ngay cả những binh lính phục vụ trên HQ10 hết sức chủ quan, không hề sẵn sàng chiến đấu mặc dù tàu của Trung Quốc đang có dấu hiệu khiêu khích.
Cho đến khi tàu Trung Quốc tấn công thì ngay lập tức gần như bị tê liệt do bị động, phòng chỉ huy bị phá hủy, súng kẹt đạn … và kết quả có ngay lập tức là phòng chỉ huy bị phá, thủy thủ đoàn như con rắn mất đầu, phần lớn chết tại chỗ, một số nhảy xuống biển để trốn chạy và may mắn 21 người còn sống và được một tàu buôn Hà Lan cứu.
Tôi không thể hiểu được tính đồng đội ở đâu, sự thiêng liêng khi nhắc đến hai chữ “chủ quyền” ở đâu mà tàu HQ16 – một trong 2 tàu được phía lãnh đạo VNCH coi là chốt thí lại “quay đít” bỏ chạy khỏi cuộc chiến, không thèm ngó đến lời cầu cứu của đồng đội (ở trên ông Lê Văn Thự nói có nhìn thấy đồng đội nhảy xuống nước). Hay là đối diện với cái chết, họ sẵn sàng buông bỏ để bảo toàn mạng sống cho mình, đúng theo tinh thần “sống chết mặc bay”. Chủ quyền cũng chẳng đáng giá một xu?
Với những thông tin như vậy; liệu rằng chúng ta có thể ngó lơ mà tung hô những kẻ hèn nhát, những con tốt thí sẵn sàng bị chủ vứt bỏ chỉ với mục đích của chúng?
Lịch sử cái cần bảo vệ, bởi đó là truyền thống, là nét văn hóa của mỗi quốc gia. Không thể vì bất cứ một lý do gì mà có thể xuyên tạc lịch sử. Không thể lấy lý do bài Tàu để xuyên tạc lịch sử, không thể cho phép những kẻ hèn nhát đào ngũ, những kẻ vì tiền bán nước được phép đứng ngang hàng với những Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Mất đất, có thể đấu tranh lấy lại. Mất lịch sử, mất cả một dân tộc.
HẾT






No comments:

Post a Comment