Tuesday, November 28, 2017

Dự thảo Luật An ninh mạng: Ai cần điều chỉnh?





Luật An ninh mạng và Luật an toàn thông tin có chồng chéo?
Trong khi chúng ta đang cố tranh cãi nhau về dự thảo Luật An ninh mạng thì chúng ta quên rằng trong các công ước mà Việt Nam tham gia đều có những yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia nhằm tôn trọng chủ quyền, độc lập, quyền tự quyết của các quốc gia tham gia các công ước quốc tế. Và khái niệm “hạn chế theo luật định” luôn là điều mà các công ước nhắc đến  nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ. “Hạn chế theo luật định” đồng nghĩa với việc khi anh sinh sống trong một quốc gia thì phải tôn trọng những nguyên tắc, quy định pháp luật mà quốc gia đó ban hành theo điều kiện, nhận định của Nhà nước quản lý; cho dù những quy định đó không phù hợp ở quốc gia khác thì vẫn phải chấp hành trong phạm vi quốc gia ban hành.

Khoản 3, điều 3, chương 1 của dự thảo Luật An ninh mạng giải thích: “An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động sử dụng không gian mạng không gây phương hại đến sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”. Với những kiến giải như vậy thì Luật An ninh mạng được xây dựng với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và lợi ích của nhân dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc được cho phép trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời bắt buộc các cơ quan, tổ chức khai thác không gian mạng tôn trọng chủ quyền, độc lập và tự do tại Việt Nam.
Trong phần tranh luận về dự thảo Luật An ninh mạng tại Quốc hội sáng ngày 23/11/2017, bà Nguyễn Thị Kim Thúy – đại biểu Đà Nẵng cho rằng: “Nay thêm luật An ninh mạng không khác gì cái khóa thứ ba. Hai khóa đã đủ chắc chắn chưa? Nếu thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa, nhưng lại giao cho một 'người' khác giữ chìa thì chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này?” . Đây là vấn đề bà Thúy đặt ra khi e ngại đến việc cồng kềnh chồng chéo giữa Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin đã được Quốc hội thông qua năm 2015.
Để hiểu một cách đơn giản nhất, nhanh nhất về cả Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin; ta có thể ví von không gian mạng là con đường, có những phương tiện cơ giới đang hoạt động trên đó. Luật An toàn thông tin là sự bảo vệ về mặt giá trị tài sản phương tiện (đề phòng bị trộm cắp) khi khẳng định “An toàn thông tin là sự bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin trên mạng tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin.” (Khoản 1, điều 3, Chương 1). Còn Luật An ninh mạng tương tự như Luật An toàn giao thông với mục đích điều chỉnh các hành vi điều khiển phương tiện cơ giới khi hoạt động trên hệ thống đường bộ (ở đây là sử dụng không gian mạng).
Tại sao cần thiết phải có Luật An ninh mạng?
Trong những năm vừa qua, với sự bùng nổ của các thiết bị viễn thông, thông tin, lượng người sử dụng và truy cập internet tăng cao. Những thông tin bịa đặt xuyên tạc được tung ra với mục đích ban đầu chỉ đơn giản là câu view, gây tin sốc, rồi đến mục đich sâu xa hơn nhằm phá hoại sự ổn định chính trị của Việt Nam được người dân chia sẻ không có kiểm chứng dẫn đến rắc rối cho không ít người dân và sự mất lòng tin của người dân với chính quyền, nhà nước.
Ở đây, xin ví dụ như thông tin về trường hợp “hai cô gái hiếp dâm thanh niên đến tử vong ở Tánh Linh” và sử dụng hình ảnh của 2 cô gái ở Biên Hòa khiến họ gặp trầm cảm, mệt mỏi, đòi tự tử. Vụ “siêu xe biển xanh”, “Đại tướng Phùng Quang Thanh bị ám sát tại Pháp” hoặc “Việt Nam sát nhập thành 1 tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020” và mới nhất trường hợp luật sư Võ An Đôn bị xóa tên khỏi đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên vì: “đã có nhiều bài viết, video clip, phát ngôn trả lời phỏng vấn với báo chí, đối tượng ở nước ngoài, bịa đặt nói xấu luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng, Đảng và Nhà nước Việt Nam, nhằm mục đích kích động tuyên truyền, xuyên tạc không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam”… là điển hình cho những thông tin bịa đặt, gây mất an ninh chính trị, an ninh quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Vấn đề nóng nhất, được chú ý nhiều nhất trong những tranh luận đối với dự thảo Luật An ninh mạng thời gian vừa qua là Khoản 4, Điều 34 của Dự thảo: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo mật thông tin người dùng và thông tin tài khoản của người dùng; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật.”
Ở khoản mục này thì việc doanh nghiệp kinh doanh, kiếm lợi nhuận trên một quốc gia thì anh phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó là điều hiển nhiên. Việc của doanh nghiệp là kiếm tiền, kiểm soát thông tin, không phải tạo ra sự chống dối đến lợi ích và an ninh đối với quốc gia anh đang thực hiện các giao dịch kinh doanh. Việc yêu cầu đặt máy chủ kiểm soát người dùng của Việt Nam nhằm mục đích kiểm soát những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, truy xuất dữ liệu người dùng để làm chứng cứ xử lý hành vi sai phạm. Trong ví dụ về luật sư Võ An Đôn, khi bị cơ quan điều tra mời làm việc về những phát ngôn trên facebook cá nhân của mình, Võ An Đôn nói rằng “bị cướp quyền kiểm soát facebook cá nhân” để qua mặt cơ quan điều tra, tránh né hành vi phạm tội của mình.
Nếu doanh nghiệp đặt máy chủ dữ liệu ở nước ngoài, họ hoàn toàn có quyền từ chối việc cung cấp thông tin, thậm chí giả mạo, làm sai lệch thông tin khiến cho các cơ quan điều tra khó xác minh nhân thân, bằng chứng tội phạm. Thậm chí, không có cơ sở để xử lý hành vi phạm tội. Trong khi đó, nếu có cơ sở dữ liệu tại Việt Nam, tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam thì việc tìm kiếm, xử lý những đối tượng tung tin gây phương hại đến hai cô gái như đã nêu ở trên trở thành đơn giản hơn nhiều.
Tại sao lại cứ suy nghĩ về Facebook và Google?
Theo khảo sát của Vinalink năm 2015 thì Doanh thu quảng cáo trực tuyến của Facebook tại thị tường Việt Nam mỗi năm đạt hơn 3000 tỷ đồng. Doanh thu của Google đạt 2200 tỷ đồng còn tất cả các danh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả các công ty FDI hoạt động tại Việt Nam) cộng lại chỉ đạt 1900 tỷ đồng. Không biết có bao nhiêu vị Đại biểu Quốc hội phản đối Dự thảo Luật An ninh mạng có đặt câu hỏi rằng số tiền quảng cáo của Facebook và Google đi về đâu? Nhà nước Việt Nam thu được bao nhiêu thuế từ doanh thu quảng cáo của hai doanh nghiệp này? Trong khi đó các doanh nghiệp đang đặt máy chủ tại Việt Nam ngoài việc phải đầu tư hạ tầng, cơ sở dữ liệu, phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam vẫn phải nộp thuế.
Rõ ràng, có thể thấy sự cạnh tranh không lành mạnh giữa hai ông lớn Facebook và Google với các doanh nghiệp Việt. Khi thực hiện dự thảo Luật An ninh mạng, với việc bắt buộc Facebook và Google đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam. Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm soát và khống chế hoạt động này. Và những cá nhân, tổ chức đang mạnh mẽ phản đối Dự thảo và “lo sợ” Facebook và Google rút khỏi Việt Nam có nhìn thấy sự cạnh tranh không lành mạnh đó và thông cảm cho doanh nghiệp Việt?
Nếu chỉ lấy lý do rằng Facebook hoặc Google sẽ rút khỏi Việt Nam nếu Dự thảo Luật An ninh mạng được thông qua thì hoàn toàn là những lo ngại hão huyền thừa thãi. Bởi hai doanh nghiệp này họ cung cấp dịch vụ hoàn toàn miễn phí và nguồn nuôi sống họ chính là doanh thu từ hoạt động quảng cáo. Và không ai ngu khi dâng miếng bánh hằng ngày của mình cho người khác, bởi họ hiểu, nếu họ rút khỏi Việt Nam thì hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ khác sẽ nhảy vào thị phần này. Thay Facebook sẽ có Zing, twitter, Vk.com…, thay Google sẽ có Bing, Yahoo, Baidu… Bài học thị phần ở Trung Quốc vẫn là bài học đau với Facebook và Google.
Rõ ràng, Luật An ninh mạng là cần thiết để áp dụng và đưa vào cuộc sống bởi mục đích của nó hướng đến trước hết phải là An ninh quốc gia, sự độc lập và chủ quyền của một quốc gia. Ngoài ra, khi Luật An ninh mạng được áp dụng sẽ đảm bảo tính công bằng đến tận người dân bởi nếu việc dùng mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát, rất dễ biến thành công cụ lợi dụng bôi nhọ người khác. Đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trong kinh doanh thương mại điện tử.
Và nên nhớ rằng, các doanh nghiệp như Facebook hay Google.. chỉ là các doanh nghiệp, họ chỉ biết kiếm tiền và họ phải tuân thủ, điều chỉnh theo luật pháp của quốc gia sở tại chứ không bao giờ có chuyện luật pháp của một quốc gia phải điều chỉnh để chiều lòng họ bởi họ lớn. Đó là hành vi mất tự chủ của 1 quốc gia trên môi trường mạng.



No comments:

Post a Comment