Monday, June 22, 2015

Có phải nhà báo được quyền dẫm lên luật?

Ngày 21/6/2015, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, trên báo điện tử Giao thông (baogiaothong.vn) có đăng bài viết "Dùng thẻ nhà báo… “bắt” xe chở xi măng quá tải" của nhà báo Tuấn Anh. Nội dung bài báo kể về lần tác nghiệp điều tra của chính tác giả vào tháng 8/2014.
Về mặt tích cực, qua đợt điều tra, thu nhập thông tin, nhà báo đã góp phần đấu tranh với sự vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông của Nhà máy xi măng Sông Gianh. Các bạn có thể xem bài báo qua file ảnh đính kèm hoặc tìm kiếm trên mạng.



Tuy nhiên, qua nội dung bài báo, có thể thấy chính tác giả lại sử dụng hành vi tiêu cực vi phạm pháp luật ở một mức độ cao hơn (có thể dẫn tới bị truy tố hình sự) để chống lại một hành vi vi phạm chỉ ở mức độ xử lý hành chính. Cụ thể, trong bài báo, tác giả sử dụng thẻ nhà báo ( dùng tay che chữ THẺ NHÀ BÁO) để dừng xe vi phạm, nói với tài xế là: “Anh em từ bộ vào nên cứ để cho tụi tôi kiểm tra xong sẽ đưa lại ngay, không liên quan đến lái phụ xe đâu”. Mục đích của nhà báo là lấy thông tin về tải trọng hàng hóa qua hóa đơn mà lái xe đang giữ.
Rõ ràng, tác giả bài báo đủ nhận thức việc làm của mình sẽ tạo ra sự ngộ nhận của lái phụ xe rằng tác giả là người của Bộ Công an, từ đó sẽ hù dọa được lái phụ xe để khai thác thông tin. Và thực sự tác giả đã thành công. Nếu các bạn nhìn 2 cái thẻ nhà báo và Chứng minh công an (CMCA) bên dưới đây có thể thấy rất rõ điều đó.

Trên thực tế, việc làm của nhà báo Tuấn Anh đã phạm vào tội giả mạo cấp bậc, chức vụ theo Điều 265 BLHS. Về mặt khách thể, tội này xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước nói chung, trong đó có lực lượng vũ trang. Về mặt khách quan, vị nhà báo này đã sử dụng thẻ nhà báo (giống với CMCA) để người khác tin họ chính là công an thật. Hành vi giả mạo này đã rõ.
Sau khi đã thực hiện hành vi giả mạo, NB Tuấn Anh đã yêu cầu lái phụ xe cung cấp hóa đơn của Nhà máy xi măng Sông Gianh để sao chép lại (chụp lại). Hành vi này là vi phạm, trái pháp luật bởi người dân bình thường không ai có quyền buộc một ai đó phải làm điều này, điều kia. Việc làm của NB Tuấn Anh đã làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, gây mất ổn định trong quản lý hành chính, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan nhà nước.
Cá nhân tôi đồng ý việc làm của NB Tuấn Anh với mục đích tốt là nhằm tìm kiếm thông tin sai phạm, từ đó có thông tin phản hồi đến cơ quan chức năng (CSGT) để ngăn chặn hành vi vi phạm ATGT. Tuy nhiên, kèm theo mục đích này, đối với bản thân nhà báo cũng có tư lợi bởi có thông tin để viết bài, có nhuận bút.
Điều 265 BLHS quy định hình phạt đối với tội giả mạo cấp bậc, chức vụ này là từ phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Với các yếu tố như trên, có thể thấy việc làm của 2 vị PV, NB này đã vi phạm pháp luật hình sự và có thể dẫn tới hậu quả bị truy tố trước pháp luật.
Lưu ý rằng, nếu hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc để thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ cấu thành thêm các tội phạm tương ứng đó (như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chẳng hạn). Tội phạm này không cần dấu hiệu hậu quả.
Điều luật này quy định hai hành vi là “giả mạo chức vụ”, “giả mạo cấp bậc”. Chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong hai hành vi trên đã đủ cấu thành tội phạm. Theo đó, người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Cho dù, mục đích có tốt nhưng lấy một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng để đối phó với một hành vi ít nghiêm trọng hơn vẫn không thể chấp nhận. Và không thể dùng mục đích để biện minh cho hành động của mình.
Trong bài viết, tác giả vẫn chứng tỏ "khoái trá" khi ghi lại "tâm sự của Văn Thanh thì vẫn không “đáng ngại và thú vị” bằng việc tạt đầu “bắt” xe bồn chở xi măng Sông Gianh bằng… Thẻ nhà báo."
Một nhà báo điều tra mà không hiểu luật, không xem xét hậu quả hành vi của bản thân mình, vẫn thực hiện bất chấp các quy định của pháp luật. Chắc chắn sẽ tiếp tục vi phạm. Và nếu không ngăn chặn, với ảo tưởng vào "quyền lực thứ tư"; liệu nhà báo này có giữ được chính bản thân mình trong sạch hay không?
Bản thân tôi chỉ là một độc giả, nhưng thực sự tôi không thể hiểu Ban biên tập Báo Giao thông có suy nghĩ gì khi nhắm mắt bỏ qua vi phạm của nhân viên thuộc quyền. Thậm chí công khai ủng hộ việc làm của NB trên bằng cách đăng tải nội dung trên báo điện tử. Phải chăng, pháp luật nhà nước xây dựng không "đụng" được đến báo chí. Và NB có quyền dẫm lên luật?
Câu trả lời thuộc về Báo Giao thông và NB Tuấn Anh.


3 comments:

  1. Mấy cha nhà báo hình như không hiểu luật thì phải. Hành động của 2 phóng viên là mạo danh công an. Bên cạnh đó, họ không có quyền kiểm tra giấy tờ của các phương tiện. Không có quyền sao chụp lại những giấy tờ đó. Điều này là vi phạm pháp luật.

    ReplyDelete
  2. Làm báo mà nhắm mắt đi qua luật thì đó là điều tai hại kinh khủng khiếp. Chẳng có ngành nghề gì cho mình được cái quyền dẫm lên luật để làm cả. Cần tôn trọng luật đó là điều quan trọng

    ReplyDelete
  3. Nhà báo là người truyền tin mà còn không nắm chắc luật và giẫm lên pháp luật thì không thể chấp nhận và tha thứu được. Nhà báo cần được giáo dục nghiêm ngặt hơn

    ReplyDelete