Ngày 16/10/2014, một ngư dân tại
thành phố Hồ Chí Minh đã bắt được một con cá hô tại sông Đồng Nai nặng gần 130
kg và bán với giá gần 200 triệu đồng.
Cá Hô là loại cá chỉ phân bố
ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt Nam cá chủ yếu hiện diện ở
sông Hậu và sông Tiền thuộc các tỉnh: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, đôi khi
cũng bắt gặp cá trên sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông, hiếm gặp trên hệ thống
sông Đồng Nai.
Trước tình trạng đánh bắt quá mức
tại các quốc gia trên, số lượng cá thể cá Hô tự nhiên ngày càng suy giảm. Do đó
IUCN (Liên minh Quốc tế bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên) đã đưa cá
Hô vào danh lục trong sách Đỏ thuộc loại cực kỳ nguy cấp (CR). Còn tại Việt Nam
theo Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN Về việc công bố Danh mục các loài
thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ,
phục hồi và phát triển; cá Hô thuộc nhóm Các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất
lớn (EN).
Căn cứ vào đề nghị của Bộ NN và
PTNN, ngày 12/09/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2013/NĐ-CP
Quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thuỷ sản. Trong đó, điều 7 Nghị
định quy định xử phạt các vi phạm quy định
về quản lý các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Căn cứ theo điều
khoản này. Hành vi đánh bắt con cá hô trên và mua bán sẽ có mức phạt từ 40 triệu
đồng đến 50 triệu đồng cùng biện pháp khắc phục là thả con cá về thiên nhiên (nếu
còn sống) hoặc chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý (nếu đã chết).
Sự thiếu hiểu biết về pháp luật của không ít người dân và thậm chí của phóng
viên An Nhơn (vnexpress) đã để xảy ra sự việc buôn bán động vật quý hiếm một cách
công khai mà không hề ngăn cản. Ngoài sự vi phạm pháp luật của người mua và người
bán, còn có thể xem xét đến hành vi không cáo giác tội phạm của những người dân
và của phóng viên An Nhơn.
Hành vi đánh bắt, buôn bán con cá Hô và đăng tải trên báo mạng mà không có
ý kiến cảnh báo, lên án khiến hình ảnh Việt Nam trở nên xấu xí hơn trong mắt bạn
bè quốc tế. Ý thức bảo vệ động vật quý hiếm trong người dân đã đến lúc cần phải
báo động. Mỗi một người dân phải hiểu rằng việc đưa ra các quy định bảo vệ các
động vật hoang dã là nhằm bảo tồn hệ sinh thái, giữ lại tài sản cho các thế hệ
đời sau . Do đó, việc ban hành và thực hiện các quy định không phải trách nhiệm
của riêng các cơ quan nhà nước mà còn là trách nhiệm của từng người dân và toàn
xã hội.
Từ trước đến nay, với vấn đề săn bắt, buôn bán động vật quý hiếm, hầu hết
các cơ quan truyền thông chủ yếu tập trung vào các loại động vật rừng chứ chưa
đề cập đến các loại thuỷ sản. Do đó, ý thức bảo vệ của người dân đối với thuỷ sản
gần như không có. Nếu là một phóng viên có trách nhiệm với xã hội, người viết cần
phải có sự tra cứu, tổng hợp, cảnh báo nhằm định hướng dư luận về những quy định
của pháp luật không chỉ đối với hành vi săn bắt, mua bán con cá Hô trên mà còn
các loại thuỷ sản khác.
Trong những quy định về cấm đánh bắt, khai thác thuỷ sản, ngay cả đối với
các loại cá thông thường như cá Chép, cá Lóc … cũng đã được các cơ quan nhà nước
xác định rõ kích thước, trọng lượng con cá được phép khai thác, mùa vụ khai thác…
Tuy nhiên, do chưa được chú trọng về công tác tuyên truyền, vận động dẫn đến tình
trạng khai thác kiệt quệ nguồn lợi thuỷ sản mà không ít báo chí đã lên tiếng
trong thời gian qua.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xem xét, làm rõ vụ việc đánh bắt,
mua bán con cá Hô tại sông Đồng Nai vào ngày 16/10/2014 để tạo tiếng nói cảnh tỉnh
trong nhân dân ý thức bảo vệ động vật quý hiếm, đặc biệt đối với những loại có
nguy cơ tuyệt chủng cao.
No comments:
Post a Comment