Monday, August 25, 2014

Một số ý kiến nhìn nhận về họ Trưng của Hai Bà

Họ của Bà Trưng là họ gì ?
Hiện nay, có hai xu hướng giải thích họ của bà Trưng. Xu hướng thứ nhất dựa theo những gì mà sử cũ chép lại. Theo đó, Hai Bà thuộc dòng dõi vua Hùng Vương. Đại Việt Sử Lược chép: "Có Trưng Trắc người huyện Mê Linh (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên) là con gái của quan Lạc tướng". Đại Việt Sử ký Toàn Thư thì ghi: "Tên húy là Trắc, họ Trưng. Nguyên là họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, Phong Châu, vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên" và "Mùa xuân, tháng 2 (năm Canh Tí 40-NKT), Vua khổ vì Thái Thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Tô Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở các châu. (Tô) Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng. (Trưng Trắc) lấy được 65 thành rồi tự lập làm Vua, xưng là họ Trưng".

 Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thì chép: "Vương vốn họ Lạc, lại có một tên họ nữa là Trưng. Là con gái quan lạc tướng huyện Mê Linh". Hay như Thi Sách, thì đa số sách chép họ Thi tên Sách, nhưng cũng có sách cho rằng tên ông là Thi. Năm 1960, nhà sử học Phạm Văn Sơn biên soạn cuốn Việt Sử Toàn Thư còn cho rằng Thi Sách tên đầy đủ là Đặng Thi Sách, tức cho rằng ông mang họ Đặng (chương 3 - phần 2).
Ngoài ra, trong số các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng có những nữ tướng có đầy đủ họ tên như : Lê Chân, Lê Thị Hoa, Đàm Ngọc Nga, Lê Thị Trinh … củng cố thêm cho xu hướng này.
Xu hướng thứ hai cho rằng thời điểm đó Việt Nam chưa có họ, quan điểm này được nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đưa vào trong bộ sách DANH TƯỚNG VIỆT NAM - Tập 4. Theo đó ông Nguyễn Khắc Thuần cho rằng "trong thực tế thì cả họ Trưng và họ Lạc đều không có ở nước ta. Vả chăng, vào những năm đầu Công nguyên thì hầu như toàn bộ xã hội người Việt đều chỉ mới có tên chứ chưa có họ". Đồng thời ông Nguyễn Khắc Thuần nghiên cứu phương pháp đặt tên theo dân gian xưa nay và đặc điểm vùng đất Mê Linh là nơi sinh trưởng của Hai Bà Trưng để  giải mã họ của Hai Bà Trưng.
 Ông Nguyễn Khắc Thuần cho rằng "Quê hương Hai Bà Trưng cũng chính là quê hương của nghễ trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Ở đó, loại trứng ngài nào tốt thì được gọi là trứng chắc, loại nào kém hơn thì được gọi là trứng nhì" "Thuở xưa, khi mà chữ Hán chưa được truyền bá hoặc chưa có điều kiện để thấm sâu vào nhận thức của xã hội thì xu hướng chung của cách đặt tên người là rất giản dị và mộc mạc, thể hiện rất rõ sự gắn bó thiết tha với cuộc sống đời thường. Từ thực tế sinh động của xu hướng đặt tên chung này, chúng ta có thể suy luận rằng Hai Bà Trưng chẳng những thuộc lớp người hoàn toàn chưa có họ mà ngay cả tên gọi cũng mang âm hưởng rất thân quen của nghễ trồng dâu, nuôi tằm, dệt luạ . Những chữ trứng chắc và trứng nhì vốn để chỉ hai loại cao thấp khác nhau của trứng ngài, có lẽ đã được dùng làm tên cho hai chị em hơn kém nhau về tuổi tác. Sau, tên gọi của Hai Bà được phiên âm Hán Việt thành Trưng Trắc và Trưng Nhị". Lưu ý rằng thần tích làng Hạ Lôi thì Hai Bà là chị em sinh đôi. 
Bên cạnh đó, họ Lạc như các sử cũ chép lại cũng không hẳn là một họ tộc. Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường thì  Lạc là nhóm dân làm ruộng nước dưới đồng bằng, Hùng là nhóm dân Thượng, với sự thắng thế của người Thượng vào thời Lê cho nên Lê Lợi đã cho chép tiên tổ người Thượng làm tiên tổ của hợp chủng Kinh – Thượng trong chính sử. Còn trong Tùy Thư (636 – 656) có đoạn viết nói về người Lão ở Lĩnh Nam (Quảng Tây ngày nay) đúc trống đồng như biểu hiện quyền uy của họ: Chư Man tắc dũng cảm tự lập giai trọng hối khinh tử, DUY PHÚ VI HÙNG…  có nghĩa : Người Man dũng cảm, tự lập, coi trọng của cải, xem thường cái chết, ai giàu có thì gọi là người Hùng. Xin lưu ý Lạc Việt trong sử sách Trung Quốc rất rộng, bao gồm Quảng Tây, một phần Quảng Đông, đảo Hải Nam và chưa chắc đã có đồng bằng Sông Hồng.
Một lưu ý khác cũng cần chú ý đến là các tướng quân dưới trướng Hai Bà cũng không ghi rõ họ mà chỉ mang những tên căn bản như : Ả Di, Ả Tắc, Thánh Thiên, Bát Nàn, Cư Ông, Đô Dương, Ích Xương, Ông Trọng…
Xuất xứ các dòng họ của Việt Nam.
Vào những năm đầu Công Nguyên, chế độ quản lý xã hội là chế độ công xã nguyên thủy, theo chế độ Mẫu Hệ là chính. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong những năm đầu thời kỳ Bắc thuộc. Lúc này, ảnh hưởng của người Hán với người Việt chưa nhiều, vì vậy, việc đặt họ của người Việt chủ yếu xuất hiện ở một số dân tộc thiểu số, còn đối với người Kinh thì chủ yếu là họ của người Hán.
Những kẻ xâm lược là hàng chục vạn binh lính người Hán đầu tiên xâm lược, đồn trú trên đất nước Việt Nam (vùng đất Trấn Nam, Giao Châu) thời ấy. Sau cuộc xâm lăng là hàng vạn người Hán tràn qua biên giới bao gồm mọi tầng lớp: là người nhà của bọn binh lính, quan lại, quý tộc, thương nhân, nho sĩ, tù nhân, nhà sư, những người muốn tìm đến một quê hương mới với hy vọng một sự đổi đời v.v.. Họ đã ở lại, thông hôn với người Việt và trở thành người bản xứ. Chính những lớp người này đã đem đến đa số họ mà người Việt có hiện nay.
Sau khi Mã Viện đánh thắng Hai Bà Trưng, chính sách đồng hoá của nhà Hán mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính quyền các châu quận nhà Hán cho người Hoa "ở lẫn với người Việt", "lấy vợ người Việt" để xoá dần huyết tộc người Việt. Với chính sách này, các thế hệ sau của người Việt dần mang họ của người Hán. Ví dụ: Nguyễn Siêu nguyên là con ông Nguyễn Nê người Đà Dương tỉnh Phúc Kiến, làm quan đời Tấn đến chức Kiêu kỵ đại tướng quân. Nhân nước ta có loạn, ông này vâng mệnh vua sang đánh dẹp, sau lấy người con gái xã Thanh Quả làm tiểu thiếp, ở lại đây 39 năm, sinh được 3 con trai là Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp và Nguyễn Siêu. Ba người này đều theo quê mẹ ở đất Việt Nam mà xưng quân (Nguyễn Bạt Tụy 1954: Tên người Việt Nam. - In trong: tập kỷ yếu hội Khuyến Học Việt Nam, Sài Gòn, tr49-50.)
Như vậy, trong thời gian Bắc thuộc và chịu sự đồng hoá (sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng) thì họ của người Việt mới phát triển đầy đủ và chịu ảnh hưởng lớn của họ người Hán. Việc tiếp nhận này mang tính ép buộc, bên cạnh đó, với nghị lực riêng của dân tộc, người Việt vẫn kiên trì đấu tranh, sinh tồn và phát triển để không bị đồng hoá. Do đó, không ít dòng họ người Việt học theo họ người Hán nhằm bảo tồn và duy trì truyền thống của dòng tộc, tránh bị Hán hoá.
Kết luận
Với những yếu tố thiếu sót do hoàn cảnh lịch sử về họ của dân tộc Việt Nam nói chung và của Hai Bà Trưng nói riêng, việc khẳng định họ "Trưng" có phải họ chính xác của Hai Bà hay không rất khó thực hiện. Do đó, nói họ "Trưng" cũng không sai và nói Hai Bà không mang họ "Trưng" thì cũng đúng. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử chúng ta chấp nhận sự tồn tại của "Hai Bà Trưng" , tương tự như chúng ta đã quen thuộc với tên các nhà cách mạng như "Trần Đại Nghĩa - Phạm Quang Lễ" , "Hồ Tùng Mậu - Hồ Bá Cự"… Vì vậy, không nhất thiết phải khăng khăng khẳng định họ của Hai Bà là họ Trưng, mà quan trọng nhất là đánh giá, ghi nhận công lao của Hai Bà đối với dân tộc Việt Nam

No comments:

Post a Comment