Saturday, August 9, 2014

Luật hoá mại dâm, nên hay không?


Trong hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, lãnh đạo UBND Hà Nội vừa đề nghị Quốc hội nghiên cứu thay thế Pháp lệnh bằng Luật Phòng, chống mại dâm. Theo đó, Hà Nội đề nghị bổ sung Điều 22 với nội dung: Tăng mức xử phạt hành chính với người mua dâm, công khai danh tính người mua dâm đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục.
Trước đề xuất của Thành phố Hà Nội, một “ nhà nghiên cứu xã hội học” lại cho rằng đây “thể hiện sự yếu kém của Hà Nội trong việc phòng, chống mại dâm”. Anh ta dẫn chứng ra một vụ hiếp dâm để ủng hộ việc “để cho mại dâm hoạt động còn hơn là để cho người ta đi hiếp dâm”. Để chứng minh cho quan điểm của mình đưa ra, anh ta khẳng định “Ở những nước phát triển, mại dâm được coi như một nghề. Ở Việt Nam bị cấm vì nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu xem chúng ta có ngăn chặn được cái được cho là trái với thuần phong mỹ tục đó hay không? Và thực tế đã chứng minh, việc ngăn chặn mại dâm là điều không thể. Bằng chứng là chúng ta đã cấm, đã xử lí từ rất lâu rồi nhưng tệ nạn này không hề có chiều hướng thuyên giảm. Vậy đã không xử lí được thì chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật”. (giaoduc.net.vn).

Có lẽ “nhà nghiên cứu xã hội học” này chưa biết được những con số thống kê về tội phạm hiếp dâm tại các quốc gia hợp pháp hoá mại dâm. Cụ thể như sau:
Tại Đức: Ước tính cho đến năm 2013, 240.000 phụ nữ và trẻ em gái đã chết ở Đức vì là nạn nhân của loại tội phạm này. Nước này giữ vị trí thứ 6 các quốc gia có tỉ lệ hiếp dâm cao nhất thế giới, với 6.507.394 nạn nhân trong năm 2012.
Tại Nevada (bang duy nhất ở Mỹ hợp pháp hóa mại dâm), tỷ lệ hiếp dâm năm 2009 là 43 trường hợp trên 100.000 dân, vượt xa tỷ lệ trung bình của cả nước là 30. TP. Las Vegas của bang này có tỷ lệ hiếp dâm cao gấp 2 lần TP. New York và 4 lần mức trung bình của cả nước.
Tại Úc: Theo một cuộc khảo sát tại bang Queensland có tới 54,4% gái mại dâm cho biết bị cảnh sát quấy rối tình dục.
Tại Canada (thừa nhận nhà chứa nhưng mại dâm đứng đường là bất hợp pháp): Tổng số nạn nhân ở đất nước này là 2.516.918. Được biết, hơn 1/3 số phụ nữ đã trải qua một cuộc tấn công tình dục và chỉ có 6% các vụ tấn công tình dục đã được báo cáo cho cảnh sát. Theo Viện Tư pháp British Columbia, cứ 17 phụ nữ thì có 1 người bị hãm hiếp, 62% nạn nhân bị hiếp dâm đã có tổn thương về thể chất, 9% bị đánh đập hoặc bị biến dạng cơ thể.
Tại Thuỵ Điển (đã cấm hoàn toàn sau 30 năm hợp pháp hoá mại dâm): Cứ 4 phụ nữ thì có 1 là nạn nhân tấn công tình dục ở Thụy Điển. Năm 2010, cảnh sát Thụy Điển ghi nhận con số cao nhất của hành vi phạm tội này - khoảng 63/100.000 dân. Vào tháng 4.2009, thống kê cho thấy tội phạm tình dục đã tăng 58% so với 10 năm trước. Thuỵ Điển đứng thứ 3 trên thế giới vì tỉ lệ tội phạm hiếp dâm.
Trong tổng số 221 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 20 nước xem mại dâm là hợp pháp. 41 nước không có bộ luật cấm mại dâm nhưng có các bộ luật khác để cấm các hoạt động như nhà chứa, môi giới, thậm chí là cả quảng cáo hay gái đứng đường... Khoảng 160 quốc gia còn lại đã ra những văn bản luật cấm các hình thức mại dâm.
Một số quốc gia được coi là tiến bộ trên thế giới đã từng công nhận mại dâm là hợp pháp nhưng việc thực hiện quản lý nhà nước không hiệu quả, mại dâm hoạt động chủ yếu dưới sự khống chế của các tổ chức tội phạm và tạo ra vấn nạn nhức nhối, đặc biệt là sự suy thoái về đạo đức xã hội. Chính vì vậy, các quốc gia này quay trở lại biện pháp cấm hoàn toàn mại dâm như: Na Uy, Thuỵ Điển và Hàn Quốc. Tại Thái Lan, một quốc gia được coi là thiên đường về du lịch tình dục thì mại dâm hoàn toàn bị cấm với người mang quốc tịch Thái Lan nhưng lại không bị cấm đoán với người nước ngoài.
Môt đại biểu Quốc hội từng đăng đàn tại tại cơ quan lập pháp cao nhất ủng hộ công khai mại dâm, lý do vị này đưa ra là dựa vào theo pháp luật của một số quốc gia trên thế giới, thậm chí, tại Việt Nam vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, người Pháp tạo ra mại dâm ở Việt Nam và họ điều chỉnh bằng Pháp luật. Mặc dù vậy, ông ta không hiểu thực tế bản chất thực dụng của người phương Tây, trước vấn đề khó khăn trong quản lý hoạt động mại dâm, họ công nhận để quản lý và thực chất là thu thuế “bảo kê mại dâm theo Pháp luật”. Ngay tại Amsterdam, nổi tiếng với khu đèn đỏ cũng dự định sẽ giảm số lượng nhà thổ từ 500 xuống còn 409, và sẽ hạn chế con số này xuống 300 trong 5 năm tới. "Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này trên phương diện đạo đức", Eberhard van der Laan, thị trưởng Amsterdam, nói. Và "Thật vô đạo đức khi một gã đàn ông lắm tiền nhiều của tự cho mình được quyền mua bán cơ thể phụ nữ", ông Gert-Jan Segers, một nhà lập pháp, kết luận.
Thực tế cho thấy đa số những người phụ nữ bám dâm là những người lười lao động, thích “ăn trắng mặc trơn” hoặc nghiện ngập, bất chấp nhân phẩm, đạo đức của chính họ để đổi lấy lợi ích về tiền bạc hoặc vật chất. Còn đối với người mua dâm, tư tưởng gia trưởng, coi thường phụ nữ ăn sâu vào đầu óc, suy nghĩ lệch lạc coi người phụ nữ chỉ là một món hàng. Lấy lý do nhu cầu sinh lý để bào chữa, biện hộ cho hành vi mua dâm, hợp pháp hoá mại dâm, nhưng lại không chấp nhận để vợ (con), người thân trong gia đình đi bán dâm, không muốn lấy gái mại dâm là vợ, không dám công khai danh hành vi mua dâm trước gia đình và cộng đồng; họ lờ đi suy nghĩ tình dục không phải là không phải là nhu cầu thiết yếu, hoàn toàn có thể tiết chế bằng ý thức và đạo đức. Đi ngược lại với nền tảng đạo lý của con người, ngược lại nhu cầu, ý thức bình đẳng giới mà xã hội đang phấn đấu đạt được.
Rõ ràng, quan hệ mua bán dâm thực chất là quan hệ cung cầu, với nguyên nhân chính xuất phát từ nhu cầu thoả mãn tình dục của một số đàn ông có tiền nhưng thiếu đạo đức lại "ham của lạ", muốn tìm "cảm giác mới". Mặc dù vậy, xét trên quan điểm luật pháp và đạo đức, nạn mua bán dâm làm mất nhân phẩm, nhân quyền của người phụ nữ, gây phương hại đến nền tảng đạo đức xã hội, phá vỡ sự gắn bó, liên kết trong quan hệ vợ chồng. Người phụ nữ trở thành món hàng, đồ chơi của người đàn ông, tình trạng trao đổi gái mại dâm giữa các nhà chứa dẫn đến nạn buôn người, cưỡng hiếp, bạo hành, kèm theo đó là hàng loạt các tệ nạn khác như: cướp tài sản, buôn bán ma tuý, rửa tiền…
Đa số nghị sĩ Nghị viện châu Âu đồng ý với quan điểm, hành vi mua dâm là vi phạm nhân quyền và là một hình thức bạo lực chống lại phụ nữ. "Công ước ngăn chặn mua bán người và nạn khai thác mại dâm” của Liên hiệp quốc quy định những hoạt động mua dâm, ép buộc người khác bán dâm là tội ác. Các nước tham gia Công ước đã ra tuyên bố chung "Mại dâm và các dạng tội ác khác đi kèm là hành vi chà đạp lên phẩm giá và giá trị của con người". “Công ước về quyền phụ nữ” kêu gọi ngăn chặn mọi hình thức buôn bán và khai thác mại dâm từ phụ nữ (Điều 6). Báo cáo năm 2009 của Liên hiệp quốc cho thấy 79% nạn nhân của bọn buôn người là để phục vụ mại dâm, và mại dâm đã được coi là "chế độ nô lệ lớn nhất trong lịch sử"
Sự thất bại trong quản lý của các quốc gia hợp pháp hoá việc mua bán dâm là yếu tố cần xét đến khi đặt vấn đề luật hoá việc mại dâm đối với Việt Nam. Trong 20 quốc gia thừa nhận công khai mua bán dâm, chỉ có 5 nước phát triển, 15 nước đang phát triển hoặc nghèo có hệ thống luật pháp lỏng lẻo. Hoạt động mại dâm ở các quốc gia này được điều khiển bởi các tổ chức tội phạm, có sự cấu kết với đội ngũ công quyền biến chất. Hợp pháp hoá mại dâm thực chất là hành vi núp bóng chính quyền, bành trướng hoạt động, trong khi nhà nước chỉ có thể quản lý trên giấy. Các thủ đoạn của tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán dâm biến tướng tinh vi và không thể kiểm soát. Ý thức buông lỏng quản lý, coi thường pháp luật của một bộ phận cán bộ công chức, người dân sẽ dẫn đến tình trạng buông lỏng kiểm tra giám sát, tiêu cực trong cấp phép hành nghề…
Như vậy, với kinh nghiệm và hậu quả thấy trước mắt của việc thừa nhận mua bán dâm thì nhu cầu công khai mại dâm tại Việt Nam chỉ nằm ở thiểu số ích kỷ chứ không phải trong nhu cầu của đại đa số người dân. Thậm chí, có thể nói rằng hợp pháp hoá mua bán dâm là đi ngược lại với lợi ích của đại đa số nhân dân, ngược với các công ước quốc tế về quyền con người, ngăn chặn nạn mua bán người, bình đẳng giới … mà Việt Nam đã tham gia, trái với đạo lý của dân tộc. Không thể bào chữa bằng bất cứ một lý do nào các hành động làm băng hoại đạo đức xã hội. Chính vì vậy, cần có những biện pháp đẩy mạnh hơn công tác phòng chống mại dâm, buôn bán người, nhất là trong hoàn cảnh pháp lý lỏng lẻo, ý thức coi thường pháp luật thường trực trong suy nghĩ của một số người dân Việt Nam hiện nay.
Việc thành phố Hà Nội đưa ra đề xuất công khai danh tính người mua dâm chính là đánh vào “nhu cầu” của hoạt động mua bán dâm. Thực tế cho thấy, việc mua bán dâm không thể giải quyết triệt để mà chỉ có thể hạn chế. Biện pháp hữu hiệu nhất chính là triệt tiêu “nhu cầu”, từ đó “nguồn cung” sẽ phải thu hẹp lại. Rõ ràng, chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng chính nhu cầu mua dâm là hành vi tiếp tay cho tội phạm mại dâm. Đối với pháp luật hiện hành, ngoài xử lý hành chính, đây còn là hành vi che dấu tội phạm, do người mua dâm biết được thông tin của người tổ chức, môi giới mại dâm nhưng không đấu tranh phòng ngừa tội phạm này.
Có ý kiến cho rằng, việc công khai danh tính người mua dâm dẫn đến nhiều hệ luỵ xã hội như: hạnh phúc gia đình tan vỡ, làng xóm, cơ quan, đồng nghiệp kỳ thị,... Tuy nhiên, trực tiếp người mua dâm đã tạo ra những tiền đề cho hậu quả đó khi họ không vượt qua nhu cầu sinh lý bình thường. Trong tư tưởng của người mua dâm đã coi thường các mối quan hệ gia đình, xã hội, coi thường chính bản thân mình, coi thường các truyền thống đạo lý của dân tộc. Việc công khai danh tính nhằm tạo hành lang pháp lý ngăn chặn những hành vi đi ngược lại truyền thống đạo đức của dân tộc. Việc xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền chưa thể đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm của người mua dâm. Ngăn chặn bằng phương pháp đánh vào “thể diện” cũng là một biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế nhu cầu mua bán dâm trong tình hình hiện nay.
Một ví dụ điển hình tương tự với việc xử phạt này là biện pháp phạt roi công khai với hành vi trộm vặt, vẽ bậy nơi công cộng hoặc phải lao động công ích khi tái phạm hành vi xả rác bừa bãi tại Singapore. Đây là biện pháp xử phạt thông qua cảm giác sợ hãi, xấu hổ khi mất thể diện của bản thân trước công chúng mà người vi phạm sẽ phải cân nhắc trước khi thực hiện các hành vi của mình. Việc xử phạt công khai sẽ nâng cao tính răn đe, giáo dục đối với người vi phạm và người chứng kiến. Đa phần người Singapore đều công nhận rằng việc xử phạt như vậy đã giúp ngăn ngừa tình trạng tội phạm một cách có hiệu quả.
Đã đến lúc, những nhà làm luật của Việt Nam cần thay đổi tư duy về các chế tài xử phạt nhằm giữ vững kỷ cương phép nước. Không thể phủ nhận rằng biện pháp xử phạt hành chính bằng tiền không còn hiệu quả răn đe, giáo dục người vi phạm, đồng thời suy nghĩ quá “duy tình” trong pháp luật đã dẫn đến tình trạng “lờn luật” “coi thường luật” của không ít người dân hiện nay. Vì vậy, biện pháp mà thành phố Hà Nội đề xuất có thể được coi là “hướng mở” nhằm phòng chống tệ nạn mua bán dâm. Nếu cứ suy nghĩ biện pháp là “tiêu cực” đối với một số cá nhân đơn lẻ mà không tính đến hành vi của chính họ đã coi thường nhân phẩm phụ nữ, phá vỡ hạnh phúc của gia đình họ, phá vỡ các chuẩn mực đạo đức thì chúng ta chưa thể hi vọng một môi trường xã hội trong sạch và tiêu diệt những vấn nạn nhức nhối hiện nay.

No comments:

Post a Comment