Wednesday, November 29, 2017

Về đề xuất cải tiến chữ viết của PGS-TS Bùi Hiền.



Chữ Quốc ngữ thuở sơ khai
Chữ viết là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất, chữ viết là hệ thống những ký hiệu quy ước thể hiện một từ nhất định. Tùy theo cách nhận định ban đầu thì con người sẽ tạo ra những cách thể hiện cho hợp lý theo tư duy riêng. Vì thế, chúng ta có khái niệm chữ viết tượng thanh, tượng hình, la-tinh…
Ở Việt Nam, chúng ta có chữ Việt cổ (tuyệt chủng), chữ Hán (theo chân xâm lược của Trung Quốc), Chữ Hán vơ-sừn Việt (chữ Nôm), chữ Việt La-tinh phiên bản 1.0 theo chân các giáo sĩ Thiên chúa, Chữ Việt La-tinh phiên bản 2.0 “Đờ Rốt”, chữ Việt La-tinh phiên bản 3.0 linh mục Ta-bớt (khá hoàn chỉnh và không khác gì nhiều so với chữ Quốc ngữ hiện nay). Và đến thời điểm này chúng ta đang sử dụng tiếng Việt version 3.3 (nhiều lần chỉnh sửa) và tạm coi là hoàn chỉnh.

Bởi năm nay mới 40 tuổi nên rất tiếc tôi không biết người Việt cổ, người Việt khi sử dụng chữ Hán phát âm từ “con cá” là như thế nào. Nhưng chắc chắn, người Việt thế kỷ 17 sẽ phát âm là “cá” khi họ viết chữ 𩵜. Bởi khi những giáo sĩ phương tây vào Việt Nam, họ đã dựa theo phương ngữ của người Việt Nam, kết hợp với chữ La-tinh để tạo ra những chữ viết La tinh đầu tiên. Theo dòng sự kiện này, có 1 câu tiếng Việt La-tinh được coi là đầu tiên viết ra là: " Con gno muon bau tlom laom Hoalaom chian " – Tạm dịch: “Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang (đạo TC) chăng ?”
Như vậy, với cách viết ở trên, những nhà truyền giáo phương Tây sẽ nói được Tiếng Việt với người Việt (phát âm) đủ để người Việt hiểu điều mà họ muốn truyền đến.
Mặc dù vậy, sau khi thực dân Pháp dùng luật bắt buộc sử dụng thì chữ Việt La tinh mới được coi là Quốc ngữ. Cho đến nay, chữ Việt mặc dù coi là hoàn chỉnh nhưng vẫn ẩn chứa nhiều xung đột theo đặc điểm phương ngữ vùng miền. Điều này dẫn đến hậu quả là người Việt hiện nay viết sai chính tả rất nhiều. Ví dụ: người Miền Nam phát âm “sẵn sàng” nhưng lại viết thành “sẵng sàng” và hiểu nó là “sẵn sàng”.
Về đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền.
Thứ nhất, khẳng định luôn về quan điểm khoa học thì đây là một ý tưởng tốt nhằm thống nhất hóa cách viết để hạn chế tình trạng sai chính tả của người Việt Nam hiện nay. Theo đó, cho dù chúng ta có thay đổi cách viết (thay đổi quy ước sử dụng ký tự) thì vẫn phải hiểu rõ một vấn đề là chúng ta vẫn luôn phát âm và hiểu chữ viết đó. Ví dụ: chúng ta viết “Cụk Cặk” thì chúng ta vẫn phát âm là “trục trặc” và hiểu đó là “trục trặc” chứ không phải viết như vậy để rồi phát âm theo cách hiểu tiếng Việt hiện nay là “cục cặc”. Một cách đơn giản nhất, bạn có thể viết bằng tiếng Pháp “qui ne marche pas bien” nhưng vẫn nói là “trục trặc” và hiểu là “trục trặc”. Tùy theo bạn quy định cách viết của từ đó như thế nào. Nôm na, đề xuất của PSG-TS Bùi Hiền như dạng sáng tạo chữ Nôm trên nền tảng chữ Hán.
Thứ hai: cũng theo quan điểm khoa học thì ý tưởng của PGS-TS Bùi Hiền cũng còn nhiều bất cập, do tiếng Việt hiện nay có những khái niệm như “đồng âm khác nghĩa”, đơn giản như “quốc” và “cuốc”. Việc đề xuất gộp chung như của ông Bùi Hiền làm thay đổi bản chất của chữ viết khi không thể hiện được giá trị của từng từ ngữ. Bởi lúc này chúng ta sẽ viết là Tổ kuốk và cái kuốk.
Nếu như ông Bùi Hiền đề xuất thay đổi một số từ để lược giản hóa chữ Việt hiện nay thì có thể hợp lý và dễ chấp nhận hơn như f = ph, j = gi, z = d. Lúc này chúng ta có thể viết “phim = fim”, “già = jà” “dũng cảm = zũng cảm”.
Thứ ba: Đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền không khả thi do tính phổ cập rộng rãi của tiếng Việt hiện nay. Có thể hiểu tương tự rằng ta sẽ phải học một loại “ngoại ngữ mới” trên nền tảng tiếng Việt. Người Hán có thể bắt người Việt học chữ Hán, lấy chữ Hán làm Quốc ngữ, người Việt có thể sáng tạo và học chữ Nôm, người Pháp có thể áp đặt chữ Quốc ngữ hiện nay bởi một yếu tố duy nhất “trình độ văn hóa thấp”, người biết chữ ít. Do vậy, khi áp đặt một kiểu quy ước mới thể hiện từ ngữ thì số lượng người bắt đầu học không có nhiều và dễ dàng chấp nhận hơn.
Tranh luận văn hóa.
Trên mọi vấn đề, khi đánh giá về những nghiên cứu của PGS-TS Bùi Hiền phải đánh giá dựa trên cơ sở khoa học của vấn đề. Xin nhắc lại một lần, đây là nghiên cứu sự thay đổi các quy ước sử dụng (ghép nối, thay đổi từ) để tránh sai sót trong sử dụng tiếng Việt hiện nay. Trong khoa học, những đề xuất này hoàn toàn được phép, nhưng đánh giá và kết luận thuộc về các nhà khoa học chứ không phải quần chúng chúng ta.
Hiện nay, đa số người phản đối đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền đang ngộ nhận về bản chất của sự việc khi cố tình hiểu và phát âm theo cách viết mới, trong khi đó thực chất là cách phát âm và hiểu không hề thay đổi. Chính vì vậy, cho dù có tranh luận cũng nên tranh luận hết sức khách quan, trên cơ sở khoa học. Chứ không phải như một số người gọi ông Bùi Hiền là “tâm thần”, thậm chí vô văn hóa đến mức độ chế ảnh bia mộ đối với ông Bùi Hiền.
Nên hiểu rằng, khi Thomas Edison “nhốt” ánh sáng vào trong bóng đèn điện đầu tiên, không ít kẻ đã nguyền rủa ông ta khi làm trái với tự nhiên, đi ngược ý Chúa.

No comments:

Post a Comment