Thursday, November 6, 2014

Sự thật không thể bôi đen, xuyên tạc

Nguồn: http://www.viethaingoai.net/su-that-khong-the-boi-den-xuyen-tac.1.html

Ngày 30/10/2014, cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an (ANĐT) đã công bố bản kết luận điều tra Vụ án "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" ....


Ngay sau đó vài ngày, đài BBC tiếng Việt đăng tải trên trang tin điện tử của mình bài viết của một người mang tên Trịnh Hữu Long với nội dung xuyên tạc bản kết luật của cơ quan ANĐT, qua đó cho rằng việc cơ quan ANĐT bắt giữa Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) là "trái pháp luật".
Trịnh Hữu Long năm nay 28 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội. Long đã từng viết báo, sau đó, với tư tưởng chống phá chế độ, Nhà nước, Trịnh Hữu Long đã viết nhiều bài viết xuyên tạc, đả kích chế độ và bỏ trốn sang Thái Lan. Được các tổ chức phản động nước ngoài tung hô là "luật gia" "luật sư nhân quyền". Long càng hoạt động tích cực hơn trong nghề diễn "dân chủ, nhân quyền".
Quay trở lại với bài viết của Trịnh Hữu Long trên BBC Tiếng Việt, có 3 quan điểm Long cho rằng cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã làm trái luật gồm:
Thứ nhất: "Quy trình tố tụng sai từ đầu". Ở vấn đề này Trịnh Hữu Long viện dẫn điều 81, BLHS năm 2003 cho rằng việc vi phạm theo điều 258 "không thuộc nhóm tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, không có người bị hại nào hoặc người nào có mặt tại nhà và văn phòng của ông Vinh và bà Thúy trông thấy họ đang thực hiện tội phạm gì, và cơ quan điều tra không chứng minh được dấu vết tội phạm gì ở người hoặc chỗ ở của hai người này. Bằng chứng là theo Bản Kết luận điều tra số 14/KLĐT ngày 30/10, tất cả các đồ vật thu giữ được tại nhà và văn phòng của họ đều được kết luận là “không liên quan trực tiếp đến vụ án”."
Trịnh Hữu Long đã cố tình lờ đi hành vi phạm tội của Nguyễn Hữu Vinh và đồng bọn dựa trên môi trường internet. Ngoài ra, trong bản kết luận cũng đã nêu rõ đã phát hiện 2 thuê bao internet mà Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thuý đăng ký sử dụng thường xuyên đăng tải trên Internet các bài viết có dấu hiệu xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Bằng chứng để kết tội Nguyễn Hữu Vinh và đồng bọn chỉ là những bài viết đưa lên mạng từ chính địa chỉ đã đăng ký internet, các file văn bản được lưu trữ trong máy tính. Và việc xoá những dấu vết của những bài viết này chỉ cần một vài thao tác đơn giản. Do đó, việc bắt khẩn cấp là cần thiết, tạo sự bất ngờ, không cho các đối tượng này kịp thực hiện hành vi tiêu huỷ chứng cứ.
Và Trịnh Hữu Long cũng cố tình quên việc Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) đã tuyên bố chuyển giao những trang tin phản động cho các cá nhân ở nước ngoài nhằm trốn tránh trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Vinh vẫn tiếp tục các hoạt động chống phá, xuyên tạc bằng cách đưa lên các bài viết của mình.
Thứ hai: Trịnh Hữu Long cho rằng cơ quan ANĐT "vi phạm quyền bí mật thông tin". Long dẫn chứng "bản Kết luận điều tra, trình bày rằng vụ án đã được bắt đầu từ ngày 01/4 khi Cục Bảo vệ Chính trị 6 – Tổng cục An ninh I – Bộ Công an gửi Công văn cho Cơ quan An ninh Điều tra, cung cấp dữ liệu theo dõi hai thuê bao Internet (đăng ký với nhà mạng VDC và FPT) của ông Vinh và bà Thúy, với kết luận “thường xuyên đăng tải trên Internet các bài viết có dấu hiệu xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”" và đặt câu hỏi rằng "Liệu công an có được phép theo dõi và sao chép dữ liệu truy xuất Internet của người dùng hay không? Nếu công an muốn theo dõi và sao chép dữ liệu đó thì nhà mạng có nghĩa vụ cung cấp hay không? Và nhà mạng có được phép cung cấp dữ liệu của khách hàng cho công an hay không?".
Viện dẫn điều 38 của BLDS về quyền bí mật đời tư và điều 72 của Luật Công nghệ thông tin ra để chứng minh rằng cơ quan ANĐT vi phạm pháp luật là nhằm tung hoả mù, khiến người đọc mất phương hướng. Qua đó, dẫn dắt dư luận đến cái sai của cơ quan chức năng. Thực tế, trong bản kết luận của cơ quan an ninh chỉ nêu vấn đề phát hiện ra việc đăng tải bài viết xuyên tạc trên Internet tại 2 địa chỉ đăng ký thuê bao của Nguyễn Hữu Vinh và đồng bọn. Bài viết mà Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thuý phát tán công khai trên mạng internet mà Trịnh Hữu Long kêu gào rằng đó là bí mật đời tư thì quả là nực cười.
Để hiểu rõ vấn đề bí mật đời tư theo điều 38 và áp dụng vào trường hợp của các đối tượng vi phạm thì có thể giải thích như sau: Một người viết một lá thư thì nội dung trong bức thư là bí mật đời tư (không được xâm phạm), nhưng địa chỉ đề ngoài phong bì thư thì đó là công khai và không phải là bí mật đời tư (trừ trường hợp người viết thư không công khai địa chỉ của mình). Bài viết của những kẻ phạm tội nói trên được xuất phát từ hai địa chỉ đã đăng ký sử dụng internet với hai nhà cung cấp VDC và FPT. Do các bài viết này công khai, vì thế, cơ quan chức năng lần theo xuất xứ của bài viết là địa chỉ IP đã gửi các bài viết đó.
IP là từ  viết tắt của địa chỉ Internet Protocol address (địa chỉ giao thức Internet). Mỗi thiết bị được kết nối vào mạng (như mạng Internet) cần có một địa chỉ.Địa chỉ IP giống như số điện thoại cho máy tính của bạn. Số điện thoại của bạn là một dãy số để xác định điện thoại của bạn, để mọi người có thể gọi bạn. Tương tự, địa chỉ IP là một dãy số xác định máy tính để có thể gửi nhận dữ liệu đến các máy khác. Địa chỉ IP là hoàn toàn công khai, không thuộc bí mật đời tư, do đó không thuộc sự điều chỉnh theo điều 38 của BLDS và Luật Công nghệ thông tin như Trịnh Hữu Long xuyên tạc. Thậm chí, ngay một số người có kiến thức về tin học nhất định đều có thể từ địa chỉ IP xác định địa chỉ (khu vực địa lý) mà máy tính có IP đó đang truy cập. Đơn giản nhất địa chỉ IP có thể hiểu giống như số máy điện thoại cố định mà chúng ta có thể nhờ tổng đài 1080 xác minh địa chỉ chủ sở hữu.
Thứ ba: là khẳng định cuối cùng và "lếu láo" nhất của Trịnh Hữu Long khi cho rằng cơ quan ANĐT "Bắt giữ tuỳ tiện". Lấy lý do Việt Nam đã à thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc và đã ký kết, tham gia các văn kiện mang tính chất nền tảng và trụ cột này của luật nhân quyền quốc tế. Do đó, Trịnh Hữu Long cho rằng "việc bắt giữ do thực thi các quyền tự do được quy định trong các văn kiện về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sẽ được coi là tùy tiện". Hoặc nói một cách chính xác hơn là việc bắt giữ Nguyễn Hữu Vinh và đồng bọn khi sử dụng cái gọi là "tự do ngôn luận" là vi phạm các công ước quốc tế.
Về vấn đề này, khi một nhóm những kẻ chống đối chế độ , trong đó có Trịnh Hữu Long ra một "Tuyên bố 258" nhằm đòi xoá bỏ điều 258 – BLHS cũng đã từng nhiều lần đề cập đến. Tuy nhiên, luận điệu của những kẻ này lại cố tình lờ đi những quy định về hạn chế quyền tự do trong 2 công ước đó cụ thể:
Khoản 2, điều 29, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (1948) nêu rõ: " Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định – và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ."
Khoản 3, điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966: "Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội."
Mặc dù đã được đào tạo về Luật nhưng với gì Trịnh Hữu Long xuyên tạc qua bài viết của mình có thể thấy khả năng, trình độ hạn chế, yếu kém đến mức tối thiểu của anh ta. Một sự thật không thể chối cãi đó là bất cứ người nào sinh ra cũng được hưởng quyền lợi như một con người. Nhưng một điều không thể thay đổi đó là quyền lợi của một cá nhân không thể đứng trên quyền lợi của quốc gia dân tộc, không thể vì đáp ứng quyền lợi của mình mà xâm hại đến quyền lợi chung của toàn xã hội, cộng đồng, tập thể, thậm chí, không thể đặt cao hơn quyền lợi của cá nhân khác. Do đó, không có một xã hội nào, không một tổ chức quốc tế nào chấp nhận một sự tự do không có giới hạn nhằm đảm bảo sự ổn định xã hội và quyền lợi công bằng cho tất cả các cá nhân trong xã hội đó.
Rõ ràng, qua bài viết được đăng trên BBC Tiếng Việt, Trịnh Hữu Long đã lợi dụng khả năng hiểu biết về Luật của mình để xuyên tạc, chống phá chính quyền, bôi nhọ việc làm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bài viết chỉ chứng minh được sự hạn hẹp về trình độ, yếu kém về lý luận của những kẻ chống đối chế độ. Là một người học Luật nhưng cố tình đưa ra các bằng chứng lập lờ nhằm đánh tráo khái niệm với thái độ thiếu thiện chí chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.
Với những bằng chứng, chứng cứ rõ ràng trong việc chứng minh hành vi phạm tội của Nguyễn Hữu Vinh và đồng bọn mà cơ quan chức năng đã cung cấp. Có thể thấy rõ, việc làm của những kẻ phạm tội là nghiêm trọng, mang mục đích tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ cá nhân rõ ràng. Việc cơ quan điều tra bắt giữ, khởi tố vụ án đã được người dân trong và ngoài nước ủng hộ. Do đó, bài viết của Trịnh Hữu Long trên BBC Tiếng Việt không làm suy giảm lòng tin của người dân vào cơ quan chức năng mà càng giúp nhân dân nhìn nhận rõ những thủ đoạn mà những kẻ chống đối đang cố tình tạo ra và sự thật chắc chắn không phải là những điều dễ bị bôi đen, xuyên tạc.

                                                             Ngọc Việt

No comments:

Post a Comment