Sau khi dư luận lên tiếng
phản đối bài viết về bài viết với tiêu đề đã được sửa thành: ""Tờ rơi" – Vũ khí mới chống tội
phạm của công an thành phố Hồ Chí Minh" ngày 27/10/2014 mang nội dung
xuyên tạc và bôi nhọ lực lượng CAND thành phố mang tên Bác của báo Giáo dục Việt
Nam (GDVN) – Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng ngoài
công lập Việt Nam. Đến ngày 29/10/2014. Trên trang điện tử của tờ báo này đã xoá
bài viết nói trên.
Trước đó, ngày
10/7/2014, trên Báo GDVN có đăng bài với tiêu đề “Cùng là con người sao phải đối xử với nhau như thế?” của phóng viên
Viết Cường. Bài viết được phóng viên mô tả khá kỹ những hành động dẹp lề đường,
xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán vặt của công an
phường Mễ Trì (Hà Nội). Với cách đặt tiêu đề và nội dung bài viết, rõ ràng
phóng viên đã cố ý hướng dư luận chỉ trích vào đội ngũ chức năng làm nhiệm vụ.
Không phải chỉ ở Hà Nội
mà hầu hết các thành phố, tỉnh khác, lực lượng quản lý ở các địa phương luôn
đâu đầu về vấn đề lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán vặt. Tình trạng
này tạo ra những hình ảnh nhếch nhác về cảnh quan đô thị, đồng thời, gây nguy
hiểm cho người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông khi vỉa hè bị lấn
chiếm, người đi bộ phải đi xuống lòng lề đường. Không ít báo chí đã lên án hành
vi này, các cơ quan chức năng đã liên tục tuyên truyền vận động, ra quân xử lý
nhưng cũng như “bắt cóc bỏ dĩa”. Với mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng
cho hành vi này (Nghị định số 71/2012/NĐ-CP) chưa đủ sức răn đe người vi phạm,
thậm chí, người vi phạm còn không chấp hành xử phạt, không đến lấy lại tài sản
do giá trị thấp.
Trên thực tế, qua quá
trình thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị tại các địa phương, không một lực
lượng chức năng nào muốn thực hiện việc thu giữ tài sản đưa về cơ quan để đống,
phải bảo vệ, trông coi. Tuy nhiên, dưới áp lực của dư luận và cấp trên, các lực
lượng này tiếp tục phải xử lý hành vi như vậy. Và với muôn vàn kiểu chống đối của
người buôn bán rong: bỏ chạy, tẩu tán tang vật, tài sản; bắt buộc các lực lượng
làm nhiệm vụ phải có những biện pháp cứng rắn để thu giữ tài sản của những người
vi phạm nhằm răn đe, lấy cơ sở để xử lý sau này.
Đồng ý rằng, còn một bộ
phận người dân có hoàn cảnh sống khó khăn bắt buộc phải lấn chiếm lòng lề đường
vỉa hè làm nơi mưu sinh. Bên cạnh đó, tâm lý ngại chật chội, chậm trễ, mua hàng
vỉa hè cho rẻ đã khiến cho cảnh quan đô thị ngày càng nhếch nhác; lợi
ích, an toàn giao thông của cộng đồng bị một số cá nhân đặt bên dưới lợi ích,
nhu cầu của họ. Vấn đề này đã được không ít báo chí phản ánh; ngay tại Báo GDVN
đã từng có những phóng sự, phỏng vấn lãnh đạo công an các cấp, đưa ra ý kiến xử
lý lãnh đạo Công an phường nếu không kiên quyết dẹp được tình trạng buôn bán lấn
chiếm vỉa hè trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vậy không hiểu sao đội ngũ phóng
viên và biên tập viên của Báo GDVN lại có những bài viết trái chiều như vậy?
Trước đó, ngày 8/7/2014
cũng trên Báo GDVN có đăng bài viết “Cảnh
sát giao thông Thanh Hóa hành hung người dân giữa đường” của tác giả Quốc
Toản dựa trên môt clip do một “bạn đọc” cung cấp. Dựa theo clip, phóng viên đã
không tìm hiểu rõ ràng sự việc qua các nhân chứng khác mà lại viết “Không
rõ cảnh sát đã giải thích gì hay chưa, nhưng sau đó là màn khống chế, đánh đập
của 4 cảnh sát dành cho người dân” nhằm bôi đen lực lượng CSGT huyện
Tĩnh Gia, Thanh Hoá, tạo dư luận tiêu cực trong nhân dân.
Sau khi báo GDVN đăng tải
bài viết trên, Công an Thanh Hoá đã vào cuộc, yêu cầu Công an huyện Tĩnh Gia
báo cáo và yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin mà
báo chí đã nêu trên. Qua kiểm tra đã xác định một số thông tin trên bài báo nêu
là không khách quan và không đúng sự thật diễn ra. Theo báo cáo,có 2 thanh
niên điều khiển mô tô không đội mũ bảo hiểm. Tổ công tác ra tín hiệu dừng
xe để kiểm tra, nhưng 2 thanh niên này đã không những không chấp hành mà còn có
lời nói, cử chỉ trêu chọc, chửi lại CSGT. Khi bị tổ công tác đuổi một đoạn thì
2 thanh niên dừng xe, người ngồi sau xe đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Tổ công
tác yêu cầu kiểm tra giấy tờ thì người thanh niên điều khiển xe không những
không chấp hành mà còn chửi bới, lăng mạ tổ CSGT. Tổ công tác đã dùng biện pháp
cưỡng chế bằng cách đưa xe của người thanh niên nói trên lên xe ôtô và yêu cầu
người thanh niên về trụ sở Ban công an xã Hải Ninh (Tĩnh Gia) để giải quyết.
Nhưng người vi phạm đã chống đối quyết liệt bằng cách cởi áo, nhảy lên thùng xe
vừa chửi bới vừa giằng co, ngăn cản không cho lực lượng Cảnh sát giao thông
mang xe về trụ sở xã Hải Ninh. Tại đây thanh niên thừa nhận mình có uống
rượu nên không làm chủ được bản thân. Hình ảnh trong clip là có thật, tuy nhiên
là việc lực lượng chức năng khống chế đối tượng vi phạm. Qua xác minh sự việc,
Công an tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu báo GDVN kiểm tra, đính chính, tránh gây ảnh
hưởng đến uy tín của Công an Thanh Hoá.
Có thể nhận thấy rằng, việc cố tình chĩa mũi nhọn vào lực lượng CAND của
báo GDVN đã không chỉ có một lần mà mang tính chất thường xuyên, các bài viết
mang nặng tính xuyên tạc, bôi đen lực lượng, gây dư luận xấu trong xã hội và tạo
cái nhìn lệch lạc về lực lượng CAND. Không thể phủ nhận, có không ít cán bộ,
chiến sĩ CAND có những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu; nhưng không phải vì thế mà
phủ nhận những công lao của bao nhiêu thế hệ CAND đã, đang và sẽ giữ gìn an
ninh của Tổ quốc.
Trong quá trình tác nghiệp, đội ngũ phóng viên, nhà báo gặp không ít cản
trở từ các lực lượng công quyền, thậm chí ghi nhận không ít hình ảnh tiêu cực của
đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Nhưng không thể vì vậy mà đổ lỗi đánh đồng
cho những người khác, không thể vì những bức xúc cá nhân, cảm tính cá nhân mà bẻ
cong ngòi bút, xuyên tạc, hướng mũi dùi của dư luận vào bộ máy quản lý nhà nước.
Nghề báo đáng quý là tính chiến đấu, phản ảnh trung thực sự việc. Muốn vậy, đội
ngũ phóng viên, nhà báo phải đặt mình vào vị trí trung tâm, khách quan, trung
thực, không thiên lệch; tuyệt đối không đặt cảm tính, suy nghĩ cá nhân của mình
lên trên sự thật. Không làm được điều đó, nhà báo, phóng viên sẽ tự đánh mất
giá trị của mình; sẽ bị độc giả và chính đồng nghiệp coi thường.
Thiết nghĩ, Báo GDVN cần chỉnh đốn đội ngũ Phóng viên, biên tập viên
trong quá trình viết bài, tác nghiệp của mình. Việc đưa tin sai lệch vấn đề là
không thể chấp nhận. Những sự việc nhỏ dưới ngòi bút không trung thực của đội
ngũ phóng viên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của lực lượng CAND trong
đôi mắt của nhân dân. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý báo chí cần có những chế
tài xử lý nghiêm khắc trường hợp của báo GDVN để làm gương; hạn chế tình trạng tình trạng
xuyên tạc, bẻ cong ngòi bút, bôi đen sự thật. Đồng thời, cần có những biện pháp
nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức báo chí trong đội ngũ phóng viên, nhà báo
nhằm khôi phục lại uy tín, hình ảnh và sự tôn trọng của độc giả vào đội ngũ báo
chí, truyền thông.
No comments:
Post a Comment