Tuesday, August 30, 2016

Tâm thư


Thân gửi hai cháu Tô Thị Đệ và Nguyễn Như Quỳnh.
Những ngày vừa qua, trên báo chí và mạng xã hội rộ lên về vấn đề của hai cháu khi không được nhận vào các trường thuộc Bộ Công An do không đủ tiêu chuẩn về lí lịch. Và như những trường hợp khác của năm trước, các cháu viết "tâm thư" xin cứu xét, bởi chú hiểu các cháu cũng đang mong mình sẽ may mắn, sẽ được đặc cách tuyển vào các trường như nguyện vọng.


Chú hiểu tâm tư của hai cháu, và chú cũng rất thông cảm cho mong muốn của hai cháu bởi nhu cầu về một cuộc sống ổn định, hạnh phúc là ước mong của rất nhiều người. Tuy nhiên,qua đây, chú cũng gửi hai cháu vài chia sẻ về chính cuộc đời chú.
Năm 1997, chú thi trượt đại học, gia đình và chú rất buồn. Lúc đó, chú chỉ đủ điểm xét tuyển hệ Cao đẳng của một trường Đại học. Tuy nhiên, sau một thời gian xem xét, với truyền thống gia đình là bộ đội, bố chú quyết định cho chú nhập ngũ, trở thành một người lính nghĩa vụ với quan điểm "cho vào bộ đội để rèn người".
Ngày 18/2/1998, chú khoác lên mình bộ quân phục và quân hàm của người lính Biên Phòng. Những ngày đầu học chính trị, khi giảng viên lên lớp có nói với bọn chú một câu: "Các đồng chí là những người đầu tiên đại diện cho Tổ quốc đón chào khách quốc tế, các đồng chí cũng là những người đầu tiên nổ súng báo hiệu Tổ quốc có chiến tranh". Lúc đó, chú mới bắt đầu cảm nhận sự thiêng liêng trong bộ quân phục mình đang mặc. Và từ khi đó, trong chú mới xuất hiện lý tưởng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Sau huấn luyện tân binh, khóa của chú được phân về nhiều đơn vị khác nhau, có người về Hà Giang, Tuyên Quang, lại có người đi cả vào Đak Lak. Ngày ấy, bạn bè xa nhau, chỉ có thể viết thư tâm sự. Bạn chú kể về những vất vả mà họ trải qua: leo chốt đầu thằng này đội chân thằng kia, sốt rét, muỗi rừng; thậm chí cả những "trận chiến không tiếng súng" giành dân, giữ đất khi đang phân định biên giới với Trung Quốc.
Thế nhưng không ai hiềm những nỗi gian khổ đó mà họ luôn thể hiện tình yêu đối với từng tấc đất quê hương. Và phần lớn bạn bè chú (những người đã tốt nghiệp cấp 3) đều lựa chọn thi vào các trường thuộc lực lượng Biên phòng để mong muốn tiếp tục được phục vụ trong màu áo xanh đó.
Nếu nói về lý tưởng, chú tin những đồng đội của chú, họ trải qua những gian khó của cuộc sống, của công việc. Lý tưởng, nguyện vọng của họ được xây dựng và phát triển qua những ngày họ gắn bó với biên cương, những ngày họ sống chỉ có những người đồng chí, đồng đội chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau. Lý tưởng của họ được xây đắp từ những lần họ giơ tay chào cột mốc đánh dấu chủ quyền, từ nhìn nhận trách nhiệm gìn giữ mảnh đất hình chữ S.
Gian khó, càng làm họ gắn bó với lý tưởng của họ hai cháu ạ.
Bản thân chú cũng thi đỗ vào Đại học Biên phòng, nhưng đến năm thứ 3, vì lý do sức khỏe, chú không thể tiếp tục theo ngành. Chú xin ra quân, về địa phương, chú tham gia công tác quân sự địa phương, rồi sau đó lập gia đình, mưu sinh kiếm sống. Chỉ với một mảnh bằng cấp 3, chú có thể tự lao động bằng sức lực của chính bản thân mình, vươn lên bằng những cố gắng của mình. Dù cuộc sống vất vả nhưng chú vẫn không hối hận với cuộc sống của mình và chú tạm bằng lòng với cuộc sống đó.
Các cháu nói trong "tâm thư" của mình những hoài bão lớn lao về nghề Công an, những ước mong giữ gìn kỷ cương, phép nước. Nhưng hành động của các cháu đi ngược lại nhũng mong muốn ấy. Những tiêu chuẩn về lý lịch trong tuyển chọn con người vào LLVT nó cũng chính là một thứ Pháp luật đặc thù dành riêng cho lực lượng đó. Khi mình đòi xé bỏ, đòi thay đổi nó thì liệu rằng với một lĩnh vực rộng lớn hơn - là Pháp luật do nhà nước đặt ra; các cháu có thể cam kết sẽ làm đúng như những gì mà các cháu đang thề thốt ngày hôm nay không? Chú nghĩ rằng KHÔNG!.
Nó giống như các cháu cãi lời cha mẹ của các cháu, thì liệu ra ngoài xã hội, dưới sự quản lý của nhà nước, các cháu có tôn trọng Pháp luật không? Bên cạnh đó, những người khác thực sự sẽ nhìn các cháu bằng ánh mắt như thế nào? Các cháu hãy nhớ rằng trong tâm thư của các cháu vẫn còn nhắc đến những trường hợp năm ngoái. Tức là các cháu vẫn hành xử theo kiểu "cố đấm ăn xôi".
Các cháu sẽ chưa thể tưởng tượng ra cảnh những tiếng xì xào sau lưng mình khi bố mẹ các cháu lên thăm các cháu khi đang học tại trường. Những sai lầm họ đã cố gắng phấn đấu để sửa chữa một lần nữa bị đào bới, trở thành nỗi đau của họ. Có bao giờ các cháu nghĩ rằng mình đang hủy hoại họ một cách vô tình hay không?
Công an cũng chỉ là một nghề như bao nghề trong xã hội. Không phải cứ vào ngành công an là đóng góp, là phụng sự cho Tổ quốc. Chỉ cần mỗi cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành tốt mọi quy định cũng là những đóng góp mà Tổ quốc cần. Nếu thực sự yêu nghề, hãy chấp nhận rằng mình không đủ tiêu chuẩn, chấp nhận mình sống tốt hơn với một nghề khác. Chỉ vậy thôi là đủ, là tôn trọng nghề nghiệp mà mình yêu quý. Một cánh cửa đóng lại, sẽ còn nhiều cánh cửa khác mở ra đối với hai cháu.
Chú biết lá thư này sẽ không thể đến được với các cháu nhưng chú hi vọng rằng các cháu sẽ thay đổi, sẽ nhìn nhận đúng hơn sự việc và có sự lựa chọn tốt hơn cho tương lai của mình.
Trân trọng

No comments:

Post a Comment