Wednesday, June 8, 2016

MỸ VÀ VIỆT NAM - AI CẦN GÁC LẠI QUÁ KHỨ QUA CÂU CHUYỆN TNS BOB KERRY




Câu chuyện Thượng nghị sĩ Bob Kerry được đề cử làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright (FUV) tại Việt Nam gây sóng gió trên báo chí và mạng xã hội trong thời gian vừa qua.
Có thể nói việc đưa TNS B. Kerry vào vị trí như vậy trong bối cảnh Việt Nam và Mỹ đang có nhiều tiến triển trong quan hệ giữa hai nước là được coi một hành động ngoại giao sai lầm của phía Mỹ. Phải chăng Mỹ đang muốn kiểm tra lời tuyên bố “bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai” của Việt Nam? Hay khi các con bài đối ngoại đã được lật, phía Mỹ muốn chứng minh vẫn trên “cơ” của Việt Nam, có thể ép buộc Việt Nam chấp nhận những điều khoản mà Mỹ đưa ra; cho dù những điều khoản này gây thiệt hại, ảnh hưởng tới Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, sau 1975, Mỹ tiến hành cấm vận Việt Nam; đến 1995, Mỹ tiến hành dỡ bỏ một phần cấm vận, nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây không phải là “món quà quý báu” mà Mỹ dành cho Việt Nam như không ít báo chí đã tung hô nhân dịp kỷ niệm 20 năm 2 nước nối lại quan hệ sau chiến tranh. Mà sức ép bắt buộc chính phủ Mỹ PHẢI nối lại quan hệ với Việt Nam chính từ lợi ích của các tập đoàn kinh tế Mỹ.
Khi Việt Nam tiến hành cải cách, mở cửa đón nhận các luồng đầu tư của các quốc gia từ khắp thế giới thì các tập đoàn kinh tế Mỹ lại không thể vào Việt Nam bởi hàng rào cấm vận do chính Mỹ dựng lên. Lúc đó, không ít các báo chí của Mỹ và trên thế giới đều cho rằng Mỹ đã “tự bắn vào chân mình” bởi trong lúc các tập đoàn kinh tế khác đánh giá Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng khu vực Đông Dương và nhảy vào khai thác thì các tập đoàn của Mỹ chỉ có thể đứng từ xa mà ngó vào. Và vì lợi ích của chính những tập đoàn này khiến Mỹ phải dỡ bỏ một phần cấm vận với Việt Nam.
Mỹ giữ lại cấm vận về vũ khí và chiêu bài “dân chủ - nhân quyền” như là một lá bài để gây sức ép lên chính quyền Hà Nội. Những lá bài này dần mất hiệu lực bởi Nga vẫn là một nhà cung cấp vũ khí hàng đầu mà Việt Nam lựa chọn. Đồng thời Việt Nam chọn cách tiếp cận công nghệ vũ khí của các quốc gia thân Mỹ như Isarel, Hà Lan, Ba Lan... Bên cạnh đó, xu hướng trang bị vũ khí đa dạng nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam khiến các nhà sản xuất vũ khí Mỹ “đỏ con mắt”. Và vì lợi ích của những tập đoàn này, chính quyền Mỹ một lần nữa phải dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương với Việt Nam. Lợi ích của các tập đoàn Mỹ được đặt lên trên hết, cao hơn những mưu đồ của chính phủ Mỹ đối với Việt Nam.
Khi những con bài đã được đặt xuống hết, thì việc đưa TNS B. Kerry chỉ là tư thế nước lớn ép buộc nước nhỏ: “Tao nói mày phải nghe”; để chứng minh vị thế của Mỹ đối với Việt Nam, bất chấp những đạo lý trong quan hệ ngoại giao quốc tế.
Đền Yasukuni - Nhật Bản được coi là điểm nóng về ngoại giao quốc tế. Địa điểm này gây tranh cãi không chỉ đối với các quốc gia từng bị đế quốc Nhật xâm lược mà còn ngay trong nội bộ xã hội Nhật Bản bởi nơi đây thờ phụng những người lính tử trận vì chiến đấu cho Thiên Hoàng; trong đó có cả những người được coi là tội phạm chiến tranh. Các lần đến thăm đền của Thủ tướng Nhật Bản dù với tư cách cá nhân hay nhà nước đều luôn dẫn đến căng thẳng về ngoại giao giữa Nhật Bản với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, CH DCND Triều Tiên .... Thậm chí tháng 10/2015 Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi lễ cúng tiến tới ngôi đền Yasukuni.
Nhắc đến đền Yasukuni để đánh giá việc Mỹ đưa TNS B. Kerry trở thành Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV nhạy cảm và gây căng thẳng cho ngoại giao giữa hai nước như thế nào và để hiểu Mỹ đang giở chiêu trò gì đối với Việt Nam.
Quay trở lại với nhân vật chính trong câu chuyện.
Cho dù giải thích bằng bất cứ lý do gì thì hành động của đội biệt kích SEAL mà ngài B. Kerry là đội trưởng ngày 25/2/1969 tại Khâu Băng (ấp Thạnh Hóa, xã Thạnh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre) vẫn là một tội ác chiến tranh. Sau 32 năm được che dấu dưới vinh quang của huân chương Sao Đồng (Bronze Star) mà ngài B. Kerry nhận được sau chiến dịch này thì mặt trái của tấm huân chương mới được lật ra.
Ngài B. Kerry luôn nói rằng ông ta “luôn bị ám ảnh” với vụ việc trên suốt 32 năm. Tuy nhiên, có thật sự như vậy không hay ông ta vẫn treo chiếc huân chương trên tường nhà như một bằng chứng về chiến tích của ông ta đã tạo ra. Tôi nghĩ những lời nói “ân hận” của ông ta là hoàn toàn giả dối.
Tại sao, hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ, B. Kerry không thể quay trở lại Khâu Băng nói một lời xin lỗi với thân nhân những nạn nhân của mình mà chỉ gửi một lời xin lỗi chung chung tới dân tộc Việt Nam? Người Việt Nam dễ tha thứ, cũng sẽ không có ai có hành động gây thương tổn cho ông ta. Nhưng những người cần xin lỗi nhất thì ông ta lại không trực tiếp đến để gặp mặt. Bản chất của ông ta vẫn né tránh sự thật. Né tránh quá khứ độc ác của chính mình.
Sự hiện diện của B. Kerry tại Việt Nam với vai trò Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV là sự hiện diện nỗi đau chiến tranh của con người Việt Nam. Nỗi đau của một dân tộc muốn gác lại quá khứ đi để hướng tới tương lai nhưng lại bị khơi lại, hiện diện trên chính mảnh đất quê hương mình. Tha thứ, không phải là quên, không phải là để cho biểu tượng của cái ác tồn tại như là bằng chứng cho sự hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ.
Chỉ số lòng tin giữa Mỹ và Việt Nam đang được Mỹ đặt lên bàn cân bằng con bài ngoại giao B. Kerry chứng minh nỗi đau trong quá khứ của Mỹ sau chiến tranh Việt Nam không dễ để người Mỹ vượt qua. Chứng minh nỗi sự nghi ngờ mơ hồ của Mỹ về một Việt Nam muốn là bạn với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi.
Chỉ có vượt qua những nghi ngờ vậy, người Mỹ mới có thể chân thành hợp tác với Việt Nam. Và phép thử B. Kerry, câu trả lời nằm ở chính người Mỹ chứ không phải Việt Nam như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời báo chí: “…phía Mỹ và lãnh đạo ĐH Fulbright sẽ có quyết định đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ”.

No comments:

Post a Comment