Trong những ngày gần đây, báo chí đang đưa tin vụ việc hai
thanh niên cướp bánh mì và bị định khung ở theo điểm d khoản 2 điều 136 Bộ luật hình sự. Để gây ấn tượng với độc
giả, các báo giật tít rằng hai thanh niên trên cướp bánh mì “do đói” trên đường
đi xin việc làm. Hầu hết các báo nhấn mạnh vào yếu tố “trên đường đi xin việc,
do đói nên cướp bánh mì... với giá trị 45.000 đồng” mà quên (hoặc cố tình quên)
phân tích hành vi của 2 bị cáo ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội.
Sự thật đằng sau những
bài viết đầy lòng thương xót về hoàn cảnh của hai thanh niên trên các báo là việc
hai cậu bé cả đêm ngồi chơi game bắn cá (một loại cờ bạc trá hình). Cho đến sáng
hôm sau, chở nhau đi xin việc, đói và hết tiền nên rủ nhau đi cướp bánh mì.
Sự thật là, Nguyễn
Hoàng Tuấn - một trong hai thanh niên trên - đang trốn lệnh truy nã của công an
huyện Củ Chi từ tháng 8/2015 đến nay về hành vi “trộm cắp tài sản”. Trước đó Tuấn
cũng bị công an Q.9 xử phạt hành chính về hành vi này.
Người Việt, từ xa
xưa đã có câu nói “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Mặc dù, hai cậu thanh
niên trên chưa đến 18 tuổi nhưng đã từng trộm cắp tài sản, ham chơi, đua đòi, cờ
bạc. Và sau khi dốc hết những đồng tiền cuối cùng cho trò chơi cờ bạc thì là trộm
cắp, là cướp giật. Đó mới là nguyên nhân thật sự đằng sau sự “đói lòng”. Liệu
có ai khẳng định rằng, nếu được tha bổng, nếu chỉ xử phạt một cách nhẹ nhàng,
sau này hai thanh niên đó sẽ không tái phạm lần nào nữa sau những đêm trắng tay
vì cờ bạc?
Cách đây chỉ vài
ngày, ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh được báo chí và
người dân rất hoan nghênh với phát ngôn khi làm việc với Công an quận 3: “Mọi thứ đều tốt vẫn có cướp giật, chả lẽ lỗi
của dân?” và “Cướp là loại tội phạm cần phải loại ra khỏi cuộc sống”.
Với vụ việc này, báo chí lại tìm mọi lý lẽ bênh vực kẻ phạm tội mà quên mất rằng
đang gieo rắc những mầm độc cho tương lai. Phải chăng “nghèo” là một lý do để
biện minh cho hành vi cướp giật? Phải chăng “đói” nên được quyền cướp giật?
Có thể, khi ra tòa,
lý do “đói nên ăn cướp” và hành vi phạm tội khi vị thành niên sẽ được xem là những
tình tiết giúp giảm nhẹ tội cho hai thanh niên trên. Nhưng luật là luật. Pháp
luật, được xây dựng trên nguyên tắc nhằm điều chỉnh hành vi của con người, đảm
bảo sự công bằng, dân chủ đối với những người tôn trọng pháp luật. Trước pháp
luật, sự duy tình chỉ là yếu tố nhân đạo của nhà nước, không phải là cơ sở pháp
lý biện minh cho hành vi.
Tội cướp giật tài sản
là tội phạm nghiêm trọng nên nhà làm luật không quy định mức tài sản bị chiếm
đoạt là dấu hiệu cấu thành tội phạm như đối với các tội khác như tội trộm cắp,
tội công nhiên chiếm đoạt, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Do đó người phạm tội
cướp giật tài sản có giá trị lớn hay chỉ có giá trị rất nhỏ (hoa tai giả, dây
chuyền giả) vẫn là phạm tội cướp giật tài sản -"Bình luận khoa học Bộ luật hình sự"
Khi viết bài viết
này, tôi nhớ về câu chuyện cách đây 2 năm xảy ra ở một nhà sách tại Gia Lai.
Câu chuyện xảy ra từ một bức ảnh được đăng tải trên facebook của nhân viên một
siêu thị sách tại Gia Lai. Một cháu gái bị phát hiện ăn trộm sách, bị nhân viên
nhà sách bắt trói lại, chụp ảnh.
Báo chí đã vào cuộc,
hết sức bênh vực cháu do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền nên phải ăn trộm sách.
Những yếu tố bi thương được khai thác đậm nét đến mức bà Phó giám đốc Sở GD-ĐT
– một cơ quan chuyên trách về giáo dục văn hóa, đạo đức cho con người lại có những
phát ngôn hồ đồ, thiếu suy nghĩ như ăn cắp sách có thể coi là "ăn cắp văn
hóa để làm giàu văn hóa cho mình".
Những nhân viên của
nhà sách đã bị xử lý theo quy định của Pháp luật, tuy nhiên, rất ít người phân
tích lại nguyên nhân tại sao họ thực hiện như vậy? Rất ít nhà báo nhìn thấy
khía cạnh những người nhân viên của nhà sách trên từng bị trừ lương vì bị trộm
cắp tài sản, bữa cơm gia đình họ bị xén bớt bởi những hành vi ăn cắp tưởng chừng
như nhỏ nhặt đó.
Văn minh làng xã của
xã hội Việt Nam, truyền thống trọng tình và câu thành ngữ “ một trăm cái lý
không bằng tí cái tình” đã ăn sâu vào ý thức của người Việt Nam. Đồng thời, với
sự nhân đạo sẵn có, người Việt luôn có tư duy che chở, bao biện cho những người
cùng khổ trong xã hội, bất chấp những sai phạm mà họ đã thực hiện.
Khi một đứa trẻ có
hành vi vi phạm pháp luật, có nghĩa đứa trẻ đó đã bỏ ngoài tai sự răn dạy, giáo
dục của gia đình và nhà trường và cả xã hội về đạo đức, về cách sống làm người.
Chỉ có thể biện minh cho hành động vi phạm rằng, đứa trẻ đó vì một phút bồng bột,
không kìm chế được lòng tham nên đã có hành vi xấu. Còn nếu những hành vi xấu
đó được thực hiện thường xuyên thì không thể biện minh bởi vì kẻ vi phạm là một
đứa trẻ hay bởi vì bất cứ một nguyên nhân gì. Có như thế thì mới giúp những đứa
trẻ vì “bồng bột” mà vi phạm không mắc lại lỗi lầm nữa. Đồng thời ngăn chặn những
đứa trẻ hư, khó giáo dục không lún sâu vào những hành vi vi phạm pháp luật.”
Ông cha ta đã từng dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Đây
là một đức tính tốt đẹp của người Việt cần được duy trì. Không vì lợi mà mờ mắt,
không thì lòng tham mà bán rẻ lương tâm. Có lẽ không người Việt nào không thuộc
câu răn dạy đó, và có lẽ các ông bố, bà mẹ đều giáo dục con cái sống phải thật
thà, ngay thẳng thắn và trong sạch như câu nói của tiền nhân.
Trên tất cả, vụ việc
gióng lên hồi chuông báo động về cách hành xử giữa con người với con người,
cách thức tạo ra thông điệp và dẫn dắt dư luận của báo chí. Báo chí, cần có
thái độ phản ánh trung thực, công bằng. Cần luôn xác định bài báo nhằm xây dựng,
phổ biến, định hướng dư luận thượng tôn pháp luất nhằm tạo ra những giá trị công
bằng và dân chủ cho cả xã hội và quan trọng hơn cả là những giá trị đó được xây
dựng trên thước tấc của pháp luật chứ không phải đo đếm bằng những cảm tính cá
nhân.
No comments:
Post a Comment