Tuesday, May 6, 2014

Hành động xung quanh HD-981

Sự việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 ra khu vực gần quần đảo Hoàng Sa thuộc Việt Nam có thể được coi là một hành động leo thang trong chuỗi chiến lược nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Theo Reuters, ngay sau Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: "Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối"; ngày 5/5 Cục Hải sự Trung Quốc đã tuyên bố mở rộng khu vực cấm lên bán kính 3 dặm (4,8km) so với bán kính 1 dặm như ban đầu tính từ khu vực giàn khoan trái phép của mình. Rõ ràng, ở đây, phía Trung Quốc đã có những bước tính nhất định khi phớt lờ tuyên bố của Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên, Trung Quốc thể hiện thái độ khiêu khích xâm phạm nghiêm trọng vào chủ quyền của Việt Nam. Trước đây, Trung Quốc đã từng có hành động cắt cáp của tàu Bình Minh, đưa tàu hậu cần Quỳnh Tam Á F8138 xâm phạm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa, hay láu cá in mờ bản đồ 9 đoạn vào hộ chiếu nhằm gián tiếp buộc các nước đang có tranh chấp trên biển công nhận “đường lưỡi bò” bằng cách đóng dấu vào cuốn hộ chiếu. Sâu xa hơn, trong quá trình đàm phán biên giới trên bộ, Trung Quốc đã không ít lần đưa dân lấn canh, lấn cư, xây kè hướng dòng chảy nhằm lấy đất của Việt Nam.
Phải nhận định thực tế, vấn đề đường 9 đoạn của Trung Quốc là một mâu thuẫn trong lịch sử tranh chấp biên giới chưa từng xảy ra ở một quốc gia nào. Với 9 đoạn đứt khúc, đường biên giới trên biển của Trung Quốc là một đường biên giới mở. Chính vì vậy, Trung Quốc sẵn sàng tạo ra tranh chấp, kể cả tạo ra một cớ nhằm dùng vũ lực, ép buộc các nước láng giềng như một dạng “dùng lửa hàn kín vết thương hở”. Với sức mạnh về vũ khí quân sự đã phát triển được, Trung Quốc sẽ lợi dụng tất cả những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhất nhằm chiếm biển đảo của các nước láng giềng. Trong xu thế hiện đại, chiến tranh không dừng ở lại một cách đánh du kích nhỏ lẻ, sử dụng vũ khí bộ binh mà sẽ là chiến tranh tầm xa, chiến tranh của tên lửa. Rõ ràng, nếu xung đột ở khu vực Biển Đông bùng nổ thì việc Trung Quốc sử dụng các loại tên lửa nhằm huỷ diệt các lực lượng bảo vệ quần đảo Trường Sa của Việt Nam là điều không tránh khỏi. Sau đó, họ mới đưa quân tiến hành đóng chiếm các đảo. Do đó, họ cần một “sự kiện vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ tấn công Việt Nam.
Đối với Việt Nam, chủ trương nhất quán của chúng ta là hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đảng và Nhà nước chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Có thể hiểu rằng chúng ta sử dụng biện pháp mềm dẻo nhằm khẳng định tính pháp lý của Việt Nam trong khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Song song đó, Việt Nam tăng cường sức mạnh quân sự hướng biển, sẵn sàng chuẩn bị cho chiến tranh nhằm gìn giữ hoà bình, khẳng định chủ quyền, độc lập, toàn vẹn của lãnh thổ. Trong tình hình hiện tại, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với các Công ước, điều luật quốc tế và được cộng đồng, dư luận quốc tế ủng hộ. Hơn bất kỳ quốc gia nào, nhân dân Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc về hậu quả của chiến tranh và không mong muốn chiến tranh tiếp tục tái diễn. Chúng ta mua vũ khí để gìn giữ hoà bình, chứ không phải lấy đó làm phương tiện gây chiến với các quốc gia khác.
Trở lại vấn đề giàn khoan HD-981 và sự khiêu khích dần leo thang của Trung Quốc, những người dân Việt Nam quan tâm đến vụ việc đều bày tỏ sự phẫn nộ đối với những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Thậm chí, trên mạng xã hội có những lời kêu gọi tấn công Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền và khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong giữ gìn biển đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, có không ít lời chỉ trích đối với Nhà nước Việt Nam “quá hiền lành” khi chỉ phát ra những thông điệp phản đối như thường lệ. Có lẽ, những cái đầu quá nóng chưa đánh giá, tính toán cụ thể về thiệt hơn khi chiến tranh xảy ra. Thực tế sách lược của Trung Quốc không phải quá mới và chúng ta cũng đã có không ít kinh nghiệm đối phó. Trong quá trình đàm phán hiệp định phân giới trên bộ, Trung Quốc xua dân lấn canh, lấn cư, dời mồ mả sang đất Việt Nam, di dời cột mốc nhằm thay đổi địa giới hành chính. Chúng ta cũng đã kiên quyết ngăn chặn, lập biên bản bằng biện pháp hòa bình. Khi Trung Quốc xây kè nắn dòng chảy nhằm xói mòn bờ về phía Việt Nam (đường biên giới nằm giữa sông), nhân dân các tỉnh biên giới đã kiên quyết ngăn chặn không cho họ thực hiện ý đồ. Những mặt trận không tiếng súng đó, không hẳn người dân nào cũng biết. Và cuối cùng, chúng ta vẫn giữ được đất của Việt Nam, hiệp định phân giới trên bộ ký kết, công tác cắm mốc hoàn thành, chấm dứt những tranh chấp xảy ra trên bộ. Quan trọng hơn cả là chủ quyền an ninh biên giới đảm bảo, hòa bình và ổn định.
Vấn đề giàn khoan HD-981 cũng không nằm ngoài chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong đấu tranh gìn giữ chủ quyền, đấu tranh giữ biển đảo của Tổ quốc. Chắc chắn, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã được điều ra để ngăn chặn hoạt động bành trướng của Trung Quốc. Chúng ta chọn giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp nhưng sẵn sàng “hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước”. Giai đoạn này, một mặt chúng ta đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, mặt trận không tiếng súng, mặt khác ta chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đó, không phải là sự hèn kém, khiếp nhược mà là đối sách hợp lý trong hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam. Cao hơn nữa, chúng ta giữ vững được sự hòa bình, ổn định trên Tổ quốc Việt Nam, mà người hưởng thành quả đó, chính là toàn thể nhân dân Việt Nam. Hơn bất kỳ một ai, người dân Việt Nam mới là những người hiểu sâu sắc nhất những hậu quả của chiến tranh khi chúng ta mới thực sự giữ được hòa bình 25 năm.
Biển Đông hiện như lò thuốc súng, bất cứ một hành động quân sự ở mức độ dù là nhỏ nhất có thể thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh. Cố tình thực hiện những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, lý lẽ, thái độ khiêu khích, coi thường nước nhỏ, Trung Quốc đang muốn tạo ra “sự kiện vịnh Bắc Bộ 2” để lấy cớ can thiệp quân sự vào Biển Đông. Thực chất của vấn đề không nằm ở HD-981 mà nằm ở sự mất kiểm soát của bên nào trong mặt trận không tiếng súng căng thẳng đầy cân não. Chính vì vậy, là người dân, chúng ta cần hơn những trái tim nóng và những cái đầu lạnh, kiểm soát được cảm xúc, lý trí. Thay vì phản đối thái độ của Đảng và Nhà nước, chúng ta cần hơn những trái tim đồng lòng, những vòng tay rắn chắc, sát cánh với hành động của Đảng, của Nhà nước và của Chính phủ. Hãy cảm nhận, và suy nghĩ về những việc làm của chính quyền. đặt lợi ích và khát vọng hòa bình cao hơn những suy nghĩ tầm thường. Đó, mới là hành động đúng đắn vì lợi ích của dân tộc và chính bản thân mình, chứ không phải kêu gọi chiến tranh để chính gia đình, bản thân phải lãnh nhận hậu quả.


No comments:

Post a Comment