Wednesday, March 19, 2014

VÀI SUY NGHĨ TỪ CHƯƠNG TRÌNH “NGHĨA TÌNH TRƯỜNG SA, HOÀNG SA”

Bài viết của Củ Hành trên viethaingoai.net. Nguồn tại đây:

http://www.viethaingoai.net/vai-suy-nghi-tu-chuong-trinh-nghia-tinh-truong-sa-hoang-sa-.1.html

LTS : Tình cảm của mọi người dân Việt Nam dù ở trong nước hay sống xa quê hương khi nói đến Hoàng sa, Trường sa thì mỗi con tim mang dòng máu việt đều thổn thức. VHN.NET đăng tải bài viết của một độc giả nói về quan điểm của mình về vấn đề này.
Ngày 10/3/2014, Tổng LĐLĐ và Báo Lao Động đưa ra “Lời kêu gọi ủng hộ chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa””. Trong đó có đoạn viết:
40 năm trước, ngày 19.1.1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 74 sĩ quan, thủy thủ quân lực Việt Nam Cộng hòa đã kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo và hy sinh, vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa…
…Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” để tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì Hoàng Sa, Trường Sa, để lịch sử không quên, tôn vinh những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh bảo vệ tổ quốc và thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc….”..
Ngay sau khi lời kêu gọi được đưa ra, đã tạo được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi ý thức chủ quyền nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng đã ăn sâu trong tâm thức mỗi người dân nước Việt. Song điều đáng nói ở đây là, lời kêu gọi đó đã tạo ra rất nhiều những ý kiến trái chiều, và đặt ra những câu hỏi lớn về cách làm cũng như mục đích thực sự của chương trình này…Rất nhiều người đã gửi các ý kiến tham gia qua mục góp ý hoặc gọi điện trực tiếp đến cho báo Người Lao động, nhưng thật tiếc những ý kiến đó đều không được đăng tải hoặc trả lời rõ ràng…
Trước hết phải nói rằng, người Việt Nam từ trước đến nay luôn có tấm lòng tri ân, hướng đến những người đã ngã xuống vì sự nghiệp thống nhất, độc lập và toàn vẹn của Tổ quốc. Chính vì vậy, trên mảnh đất hình chữ S, đặc biệt là khu vực phía Bắc, chúng ta vẫn còn những nghĩa trang mang dấu ấn của các Liệt sỹ người nước ngoài như Trung Quốc, Triều Tiên đã hi sinh trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vì vậy, những người Việt Nam dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến đã ngã xuống trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm là việc nên làm. Nhưng sự tri ân đó nên thực hiện như thế nào? Vị trí của những người đó nên được nhìn nhận như thế nào trong lịch sử và hiện tại thì cần phải có một cái nhìn chính xác, cụ thể, rõ ràng. Tránh đánh đồng, phủ nhận, viết lại lịch sử hay vô tình khoét sâu vào nỗi đau của nhân dân Việt Nam.
Vào đầu tháng 1/2014, một số báo chí Việt Nam như: Tuổi trẻ, Thanh niên, Vnexpress.net, Vietnamnet.vn… đồng loạt đưa tin về trận “Hải chiến Hoàng Sa” 40 năm trước. Hầu hết các tư liệu này được lưu trữ và sử dụng làm Tài liệu : "Thế giới lên án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hòa", Tổng cục chiến tranh chánh trị, Cục tâm lý chiến, Quân lực Việt Nam Cộng hòa, 1974. và của ông Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc, nhưng lại “vô tình hoặc cố tình” bỏ quên, hoặc đưa xuống bài thứ yếu (báo Thanh niên) bài viết của ông Lê Văn Thự (thuyền trường tàu HQ 16) về sự thực cuộc “Hải chiến Hoàng Sa” mà ông ta là người trực tiếp tham gia. Theo đó, cuộc Hải chiến Hoàng Sa khác hoàn toàn những gì mà tài liệu của “Cục chiến tranh tâm lý VNCH” và ông Hà Văn Ngạc viết. Ông Lê Văn Thự có viết: “Tiếp đến HQ-10 báo cáo Hạm trưởng bị thương. Tôi ra lệnh Hạm phó lên thay quyền chỉ huy, đồng thời đặt ống nhòm nhìn sang HQ-10 tôi thấy một ngọn lửa nhỏ cháy ở đài chỉ huy có thể dập tắt được bằng bình CO2 mà sao không ai làm. Quan sát phía sau lái HQ-10 tôi thấy 4, 5 cái đầu nhấp nhô trên mặt biển. Tôi không biết chuyện gì xảy ra trên HQ-10 vì không nghe báo cáo gì thêm. Tôi đoán chừng vì Hạm trưởng bị thương nặng nên HQ-10 như rắn mất đầu. Một số nhỏ nhát gan sợ tàu cháy hay trúng đạn nổ nên đã nhảy xuống biển. Nhưng HQ-10 vẫn nổi bình thường, thăng bằng, không nghiêng một chút nào cả.”. Thậm chí, trong bài viết của mình ông Thự còn nói rõ tàu của ông Hà Văn Ngạc còn “bắn lạc” vào tàu của HQ 10 và HQ 16 (??)
Như vậy, phải chăng cuộc chiến năm 1974 khác xa hoàn toàn những gì mà báo chí Việt Nam đăng tải trong những ngày đầu năm 2014? Khác xa với những ngôn từ cao đẹp như “kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo” mà người ta đang dành cho những người lính VNCH trên con tàu HQ 10? “Sự kiên cường chiến đấu” là sự việc “nhát gan sợ tàu cháy hay trúng đạn nổ nên nhảy xuống biển” hay là chết vì bị trúng đạn của chính “chiến hữu” của họ? Việc thiếu cẩn trọng trong thẩm định tài liệu, thiếu kiến thức lịch sử, thậm chí đòi viết lại, suy diễn lịch sử đã khiến truyền thông làm sai lệch hình ảnh cuộc chiến, dẫn đến lời kêu gọi có phần hào hùng kia? Có thể so sánh hình ảnh của cuộc chiến năm 1974 với vòng tròn Gạc Ma năm 1988 hay không? Trách nhiệm làm sai lệch lịch sử sẽ thuộc các nhà báo đã đăng những bài viết đó hay của ai? Việc đưa thông tin không đầy đủ trong trận “Hải chiến Hoàng Sa” vào thời gian vừa qua chứng minh sự “không trung thực” “tư tưởng xét lại” của một số nhà báo trong thời gian gần đây. Thậm chí, có nhà báo của báo Lao Động, trên trang cá nhân của mình còn gọi những người lính VNCH là “anh hùng liệt sỹ” và mong muốn có một ngôi đền thờ chung các Anh hùng liệt sỹ Gạc Ma với những người lính VNCH. Với suy nghĩ cào bằng giá trị như vậy; phải chăng nhà báo này muốn đánh đồng, muốn xét lại lịch sử, phủ nhận tội ác trong chiến tranh Việt Nam?
74 người đã hi sinh đó, bao nhiêu người thực sự chiến đấu, bao nhiêu người bị đạn của chính "chiến hữu" của họ bắn vào, bao nhiêu người sợ hãi nhảy xuống biển mà chết. Rồi những người khác tham chiến, họ được quyền đòi hỏi "công trạng" của họ bởi họ cũng tham gia. Rồi một ngày nào đó lực lượng hải quân VNCH cũng đòi hỏi “công ơn” của họ? Lời kêu gọi vội vàng, không xem xét kỹ lịch sử dễ dẫn đến ngộ nhận, sai lệch về bản chất, bản lĩnh chiến đấu, đánh đồng hi sinh giữa những người lính Gạc Ma năm nào và những người lính Hải quân VNCH. Đây là vấn đề nhạy cảm của lịch sử. Trước khi có lời nói phải xem xét kỹ càng tất cả các yếu tố. Không quên họ, nhưng cũng không quá đáng để hàng vạn Liệt sỹ chống Mỹ, Liệt sỹ Biên giới phía Tây Nam, Biên giới phía Bắc đang nằm đâu đó trong góc rừng tủi hờn, để “Vòng tròn bất tử Gạc Ma” phải là ánh sao chói lọi trong lịch sử đấu tranh gìn giữ biển đảo của Tổ quốc. Sau 40 năm, đã đến lúc cần có những đánh giá cụ thể, khoa học về trận Hải chiến Hoàng Sa giữa lực lượng Hải quân VNCH và Hải quân Trung Quốc. Cần tìm rõ sự thật ẩn giấu sau cuộc chiến này để đưa trận Hải chiến Hoàng Sa về đúng vị trí của nó trong lịch sử đấu tranh giữ gìn biển đảo của Tổ Quốc.
Thực tế, rất nhiều người dân, và đặc biệt là các cựu chiến binh của thời ký kháng chiến chống Mỹ, các chiến sỹ QĐNDVN tại ngũ, trong đó có những người lính đã, và đang ngày đêm canh giữ Trường Sa thể hiện sự băn khoăn, bức xúc khi đọc những nội dung thể hiện sự lẫn lộn trong đánh giá lịch sử (“kiên cường”, “công ơn to lớn”…) giữa sự hy sinh của 64 chiến sỹ Hải quân QĐND Việt Nam (bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm 1988)  với 74 binh sỹ VNCH tử trận ngày 19/1/1974… Có chiến sỹ trẻ Trường Sa đã cay đắng gửi về cho bạn bè thế này: “Tôi và đồng đội sắn sàng hy sinh cho Tổ Quốc - Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhưng nếu chết, tôi không thể vào cái đền thờ lẫn lộn như thế!”…
Thử hỏi rằng, với những dư luận như vậy, báo Lao Động có tiếp nhận hay không mà lại đưa tiếp dòng tin gây “nhằm tri ân các chiến sĩ đã ngã xuống vì Hoàng Sa, Trường Sa”. Một Cựu chiến binh Biên giới phía Bắc đã bức xúc nói: “Nếu đã gọi 74 người đó là chiến sĩ thì sẽ có hàng triệu người khác sẽ đòi họ cũng là chiến sĩ. Và khi đó sẽ không còn ngụy nữa mà sẽ là chiến sĩ Cộng sản bắn giết chiến sĩ Cộng hòa. Thế là phải viết lại lịch sử”. Nên nhớ rằng, họ ở một chế độ đối nghịch, thậm chí trước khi xảy ra Hải chiến Hoàng Sa họ cầm súng, dùng tàu để tấn công những đoàn tàu không số giải phóng miền Nam. Chúng ta tưởng nhớ, tri ân họ ở góc độ lịch sử, chứ không tri ân ở góc độ thể chế chính trị. Lịch sử cần điều chỉnh chính xác, nhưng không thể lấy lý do “Hòa giải dân tộc” để đặt ngang hàng như vậy.
Bản thân tôi ủng hộ việc ghi nhận, giúp đỡ đối với thân nhân và binh sỹ VNCH tử trận trong hải chiến Hoàng Sa song cần phải rõ ràng, vậy nhưng lời kêu gọi của TLĐLĐ đã không thể hiện được điều đó. Gây lên những phản ứng dữ dội không đáng có trong dư luận vừa qua. Không thể lấy lý do “hòa giải, hòa hợp” mà gây ra những hệ lụy phản tác dụng, khi “hòa giải” được một nhóm người mà có thể gây ra sự mất lòng tin cho hàng triệu người đã chịu những mất mát trong các cuộc chiến tranh vì độc lập và thống nhất Tổ Quốc!

No comments:

Post a Comment