Trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, thuật ngữ “tâm linh”
là loại hình văn hóa tinh thần đặc biệt, mang ý nghĩa bày tỏ tình cảm, niềm tin
linh thiêng và sự tri ân của người sống đối với người đã mất, đối với các vị
anh hùng dân tộc, các vị thần, các danh nhân…Hoạt động tâm linh gần gũi nhất đối
với người Việt Nam là hoạt động thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các anh hùng
liệt sỹ, các vị thần, thủy tổ các ngành nghề, thờ Trời, Đất, Phật…với mục đích
gắn kết nguồn cội, giáo dục truyền thống, cầu cho quốc thái dân an, con cháu
vui vầy hạnh phúc…
Trải qua quá trình phát triển của dân tộc, văn hóa tâm linh trở
thành chỗ dựa về mặt tinh thần, xoa dịu nỗi đau, sự sợ hãi và đem lại sự thanh
thản về tinh thần. Tuy nhiên, văn hóa tâm linh cũng là một ranh giới vô hình,
chính vì vậy, khi lạm dụng quá mức thì văn hóa về tâm linh trở thành mê tín,
con người trở nên yếu đuối, dựa dẫm vào đó để tìm sự cân bằng vào tinh thần
thái quá. Lúc này, con người mất sự tỉnh táo, bình tĩnh để phán xét sự việc.
Với những lý giải cơ bản như trên, không hề khó hiểu khi những kẻ
mang danh “ngoại cảm” lợi dụng vào yếu tố tâm linh nhằm khai thác điểm yếu
trong thân nhân của các gia đình Liệt sỹ. Không thể phủ nhận rằng, trong đời
sống tâm linh còn có những điều mà khoa học tự nhiên chưa thể lý giải, cũng
không thể phủ nhận cũng có những người có khả năng cảm nhận được sự vật hiện
tượng ngoài thế giới vật chất hiện hữu, nhưng chỉ là số ít và không mang tính
thường xuyên. Bên cạnh đó, việc chậm trễ trong việc giải mã phiên hiệu, trả lời
thông tin cho các gia đình Liệt sỹ cũng khiến cho tình trạng “ngoại cảm” phát
triển như nấm độc sau mưa.
Sự nghiên cứu vội vàng, chưa có kiểm định khoa học của thứ gọi là
“Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người” về ngoại cảm, sự tâng bốc quá
đáng của báo chí, nhu cầu quá cao của các gia đình Liệt sỹ khiến một giai đoạn
qua hàng vạn các gia đình Liệt sỹ lao vào cơn bão “ngoại cảm”. Các trung tâm
“ngoại cảm”, “áp vong” mọc lên như nấm. Ngay cả cơ quan “Viện nghiên cứu và ứng
dụng tiềm năng con người” thay vì làm công tác khoa học, lại chỉ chăm chăm tập
trung vào “công tác” “lên đồng, áp vong”. Đưa những danh hiệu hão huyền “Gương
huyền thông” để tâng bốc, nâng cao tầm vóc của những người mang danh “ngoại
cảm” để đánh lừa nhận thức của bao gia đình.
Ông Vũ Thế Khanh trả lời báo Người đưa tin: "Kết quả giám
định của viện Khoa học Hình sự (bộ Công an) chính là bằng chứng khoảng 30-40%
sai. Thông tin nhà ngoại cảm đưa ra đúng đến 60% thì không thể phủ nhận sạch
trơn công sức của họ được" khi nói về khả năng ngoại cảm của bà Phan Thị
Bích Hằng, một người được mệnh danh là “Nhà ngoại cảm số 1 Việt Nam”. Vậy xin
hỏi ông Khanh, với những nhà ngoại cảm đạt được “Gương Huyền Thông”, con số sai
lệch lên đến hàng ngàn. Đồng nghĩa với hàng ngàn gia đình liệt sỹ đang phải thờ
“ai khác” “một thứ gì khác” chứ không phải chính thân nhân của gia đình mình,
và hàng trăm, hàng ngàn gia đình LS khác đã bị cướp đi mộ của người thân của
gia đình mình. Trách nhiệm làm băng hoại đạo đức xã hội, ai sẽ phải chịu trách
nhiệm? PTBH đã giải thích hành động vẫy tay chào ở các NTLS rằng các LS đang
chào bà ta. Thử hỏi tại sao PTBH không xác định tên cho những LS chưa xác định
được tên tại chính những nghĩa trang đó. Hay PTBH chỉ có thói quen “ngoại cảm”
theo đơn đặt hàng?
Bà Vũ Thị Minh Nghĩa (Năm Nghĩa, Năm Khùng) cũng là một người được
mang danh “ngoại cảm”, cũng từng được tặng “Gương Huyền Thông”. Nhưng trong trả
lời Báo Chuyện đời cuối năm 2013, bà Năm Nghĩa khẳng định: "Tôi nói là tôi
không phải là ngoại cảm. Nếu mà trò chuyện được thì là ngoại cảm rồi".
Trong bài viết trên blog của nhà báo Nguyên Minh (Báo QĐND) với
tiêu đề “ Cần nghiêm túc xem lại các xác định danh tính 129 hài cốt liệt sỹ tìm
thấy ở Phú Quốc”. Tác giả đã cảnh báo cách làm tùy tiện trong việc cho phép 2
“nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng và “Vũ Thị Minh Nghĩa” xác minh hài cốt của
129 Liệt sỹ trong đợt quy tập vào tháng 10/2008 “Cách mà các nhà ngoại cảm
khi đó xác định danh tính liệt sĩ như thế này: Họ đứng im, hoặc ngồi im, mắt
lim dim, tay người nào cũng cầm quyển sổ ghi ghi, chép chép. Mỗi khi nhà ngoại
cảm đọc ra tên ai, địa chỉ như thế nào thì người đứng cạnh lại ghi vào sổ, có
người khác lập tức ghi ngay lên mảnh giấy dán trên tiểu sành phủ cờ đỏ sao
vàng. Cứ thế, chỉ trong một buổi chiều, nhà ngoại cảm đã xác định tới cả trăm
bộ hài cốt, ai cũng có tên, tuổi, quê quán…” Và khi sự thật phơi bày
về 2 “nhà ngoại cảm” như trên. Thử hỏi rằng, trong 129 bộ hài cốt đó, có bao
nhiêu bộ đúng tên tuổi của mình? Bao nhiêu gia đình sẽ nhận nhầm tên, thờ nhầm
người? Bao nhiêu gia đình sẽ mất thân nhân của mình?
Ông Trần Đình Huân, Chủ tịch Ban liên lạc toàn quốc thân nhân LS
mặt trận 31 kể lại câu chuyện về một thân nhân của một Liệt sỹ thuộc mặt trận
31 như sau: “Do quá lâu năm, sau hơn 40 năm, không hề có thông tin gì về
liệt sỹ Nguyễn Văn Nhâm. Con trai của liệt sỹ đã đi hỏi khắp nơi, từ sở Lao
Động thương binh xã hội, các cơ quan chính sách nhưng đều không có bất kỳ thông
tin gì. Đúng thời điểm đó, nạn ngoại cảm phát triển lan tràn như một thứ dịch
hạch có sức lây lan phi thường. Phần lớn các gia đình thân nhân liệt sỹ, gia
đình liệt sỹ Nguyễn Văn Nhâm cũng bị cuốn vào vòng soáy bất tận này. Con trai
của liệt sỹ cũng là người cẩn thận, có kiến thức, có điều kiện kinh tế. Hiện
anh đang làm việc, kinh doanh tại Sơn La.
Để tìm bố mình, anh cũng đã làm như mọi người, tìm đến “khả năng
phi thường” của các “nhà ngoại cảm”. Gia đình đã xếp hàng, kiên nhẫn, chờ đợi,
ngồi thiền, để được áp vong tại nhà “Cậu Liên”. Cậu phán xanh rờn là đã tìm
thấy mộ, hiện đang nằm ở Quảng Trị. Khi đi bốc, đi theo hướng dẫn của “Cậu”,
đến nơi áp vong tiếp để “Cậu” chỉ cho, “cậu” sẽ hướng dẫn tỉ mỉ đến tận mộ mà
bốc.
Để thực sự yên tâm, anh con trai liệt sỹ Nhâm đã tìm đến 3 “nhà
ngoại cảm” mà anh cho là hàng đầu của Việt Nam là Phan Thị Bích Hằng ở Hà Nội,
Nguyễn Thị Nghi ở Kinh Môn, Hải Dương và Nguyễn Văn Phùng ở Thụy Khuê, Ba Đình,
Hà Nội để kiểm định lại thông tin trước khi đi bốc mộ bố mình về.
Cũng theo anh này, “cả bốn người này đều có chung một kết quả” và “Như vậy là hoàn toàn chính xác”, “gia đình chúng em hoàn toàn tin tưởng” và quyết định tổ chức đi bốc mộ.
Cũng theo anh này, “cả bốn người này đều có chung một kết quả” và “Như vậy là hoàn toàn chính xác”, “gia đình chúng em hoàn toàn tin tưởng” và quyết định tổ chức đi bốc mộ.
Vậy là cuối cùng với đức tin được cả 4 nhà ngoại cảm gieo cho gia
đình. Năm 2008, gia đình đã bốc mộ và đem “hài cốt của liệt sỹ Nhâm” từ Quảng
Trị về an táng tại nghĩa trang nơi quê nhà. Được sự quan tâm của chính quyền
địa phương, buổi đón liệt sỹ về quê tổ chức rất hoành tráng. Con trai liệt sỹ
cho biết “riêng giàn kèn đồng đưa bố em vào nghĩa trang dài 20 mét”!
Nỗi đau không chỉ dừng ở đó!
Khi nhận được thư của Ban liên lạc gửi cho gia đình, con trai liệt
sỹ Nhâm tự lái xe vượt qua cung đường gần 400km từ Sơn La về Hà Nội, gặp trực
tiếp Ban liên lạc và làm việc trực tiếp trên hồ sơ liệt sỹ. Sau gần 40 phút
ngồi im lặng, chứng kiến tận mắt mọi hồ sơ, giấy xác nhận hồ sơ gốc, sơ đồ mộ
chí, và các văn bản kèm theo, cuối cùng, anh lên tiếng “chết rồi các anh ơi,
gia đình em bị lừa rồi”, “mà không chỉ riêng bố em đâu, nhà em đã bốc về ba
liệt sỹ rồi, cả bố em là bốn”, “giờ thì em không thể xin bất kỳ xác nhận gì của
UBND cho việc tìm bố em nữa”.
Chúng tôi đã tạo điều kiện tối đa cho con trai liệt sỹ Nhâm. Không
cần xin dấu xác nhận của Ủy ban nữa, không phải làm đơn, chỉ cần ủy quyền cho
ban liên lạc làm thay gia đình. Sau đó mọi việc tiến hành suôn sẻ. Chúng tôi
thường xuyên liên lạc qua lại.
Nhưng đến khi triển khai phần công việc theo quy trình khoa học,
đoàn công tác của Pháp Y Quân đội về tỉnh nhà thu thập mẫu sinh phẩm thân nhân
thì gia đình liệt sỹ Nhâm không có ai tham gia cấp mẫu.
Thật đau lòng cho anh con trai của liệt sỹ! Biết là đã bị lừa,
xong phải âm thầm chịu một mình vì không thể để cho giòng tộc biết việc này sẽ
ảnh hưởng tới cả 4 “liệt sỹ” đã được đưa về bằng “khả năng siêu phàm” của các
“nhà ngoại cảm”. Anh sẵn sàng cấp mẫu sinh phẩm của bản thân để tìm bố mình
nhưng trớ trêu thay, ADN Ty lạp thể lại không nằm trong Gen của con liệt sỹ mà
phải lấy mẫu theo giòng Ngoại của liệt sỹ. Vậy là anh ấy phải dằn lòng lần lữa,
né tránh. Khi đoàn công tác lấy mẫu sinh phẩm thân nhân tại Sơn La, cũng không
có ai tham gia cấp mẫu! Thật buồn cho vong linh của liệt sỹ Nguyễn Văn Nhâm!”
Trên đây chỉ là 2 câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện về “những
nhà ngoại cảm”. Sự lừa đảo mang yếu tố tâm linh mang lại nỗi đau không về thể
xác mà về tinh thần của những người đang sống. Sự cổ vũ, suy tôn cho những việc
lừa đảo của những người mang danh “ngoại cảm” của những người mê tín, của
truyền thông vô tình tiếp tay cho những tội ác không thể chấp nhận trong đời
sống văn hóa tâm linh của người Viêt Nam.
Đã đến lúc cần phải có những biện pháp kiên quyết, ngăn chặn bàn
tay tội ác của những kẻ mang danh ngoại cảm gây ra đối với xã hội. Ngăn chặn
chúng, đồng nghĩa với việc tri ân những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì độc
lập tự do cho Tổ quốc. Các gia đình Liệt sỹ cũng cần phải tỉnh táo hơn nữa,
tránh vì những mong muốn quá lớn của mình mà tạo điều kiện cho những “nhà ngoại
cảm” trục lợi trên xương máu của chính gia đình nhà mình. Bởi, chỉ cần nhận sai
một Liệt sỹ, gia đình đã vô cảm với chính Liệt sỹ nhà mình, vô cảm với nỗi đau
của gia đình khác đang mong ngóng người thân trở về.
No comments:
Post a Comment