Thursday, March 20, 2014

ĐEN và TRẮNG

Có một bữa, Củ Hành phụ một anh tài xế đi bốc xếp hàng. Trên xe, anh ta có ca thán đủ sự về chuyện CSGT ăn chặn tiền, đòi hối lộ trên đường. Rồi anh ta dùng đủ “mỹ từ : cua, rùa, rắn, ốc” để chửi bới CSGT. Tôi hỏi:
- Tại sao anh không lấy biên lai phạt rồi lên nhận quyết định nộp phạt trên kho bạc?
- Trời, làm gì có thời gian đâu anh, thêm nữa, bị phạt mắc lắm, rồi mất thời gian, công sức đi lại, rồi bị giam bằng làm sao chạy xe lấy tiền mà nuôi vợ nuôi con được.
- Anh lái xe chạy ẩu, chở hàng quá tải, vi phạm giao thông. Theo quy định thì anh phải xử phạt hành chính. Nhưng anh không thực hiện quy định của nhà nước mà anh không muốn bị mất tiền, anh không muốn phiền phức nên anh hối lộ CSGT. Họ “ăn tiền” của anh tức là giúp anh tránh những phiền phức, tiết kiệm cho anh rồi còn gì? Đúng ra anh phải cám ơn họ mới đúng chứ.

- Cám ơn gì anh ơi, giờ chúng nó cứ vẫy đấy, cho dù cũng có lỗi hay không vẫn phải chi tiền.
- Anh nói không đúng, nếu như các anh không hối lộ, tất cả các anh cứ mạnh dạn nhận biên bản vi phạm, các anh cứ lên nộp phạt thì có CSGT nào mở miệng vòi tiền các anh không? Các anh chỉ nghĩ rằng các anh là cá nhân, một hành vi nhỏ thì sẽ không ảnh hưởng đến xã hội. Nhưng các anh không nghĩ rằng xung quanh các anh hàng vạn, hàng triệu người cũng nghĩ, cũng làm như mình. Các anh tạo điều kiện cho tiêu cực phát triển, để rồi bây giờ các anh lại ca thán. Lỗi này của ai, của các anh chứ không phải bộ máy chính quyền.
-……
- Để tôi nói anh tiếp, đơn giản hơn như cái sân nhà anh thôi, được tráng xi măng sạch sẽ. Nếu hằng ngày anh quét dọn nó thì nó luôn sạch sẽ. Nhưng các anh không quét dọn, nước đọng lại các anh cũng để đấy, rồi lâu ngày nấm mốc mọc lên, loăng quăng, muỗi nhiều. Các anh ca thán, nhưng thực chất là hậu quả do cái lười của các anh chứ của ai. Anh muốn trách thì anh hãy nhìn lại chính hành vi của mình. Mình tốt, người xung quanh tốt cả, chấp hành cả thì lấy lý do gì để CSGT vòi vĩnh các anh. Các anh không hiểu luật, không chấp hành luật, trốn tránh trách nhiệm của mình thì các anh phải chịu hậu quả, đừng đổ lỗi cho cái bộ máy, chính quyền này. Bao giờ các anh làm tốt, chấp hành tốt thì hãy nói, còn không làm được thì tốt nhất lặng yên.
Vậy đấy, tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước khi mình phê phán bất cứ một điều gì đó hãy xem lại chính bản thân của mình rồi hãy chê trách người ta. Sẽ có người cho rằng mình không làm nhưng người khác cũng làm và mình sẽ bị ảnh hưởng. Điều đó là đúng, nhưng chỉ cần mình không làm, tạo cho mình thói quen thường xuyên thực thi tốt pháp luật thì những người xung quanh sẽ dần thay đổi. Trong đời sống hằng ngày, ranh giới giữa ĐEN và TRẮNG, giữa ĐÚNG và SAI, đôi khi mập mờ, không được phân định rõ. Nhưng phải luôn xác định rằng đừng chờ đợi ai phải hành động trước mình, đừng có mong chờ một TẤM GƯƠNG cho mình học tập. Tại sao mình không chấp hành trước, tại sao mình không làm gương từ những việc nhỏ nhất? Một xã hội tốt là một xã hội có kỷ cương, ở đó, người dân thực sự hiểu biết, tuân thủ pháp luật chứ không phải là một xã hội mà ở đó chỉ luôn đòi hỏi quyền lợi của mình mà lại trốn tránh trách nhiệm trước xã hội.
Sẽ có người cho rằng câu chuyện trên đây là một ví dụ nhỏ trong cuộc sống và còn rất nhiều chuyện khác để cần nói đến như chuyện “hành là chính”, “tham nhũng” trong bộ máy chính quyền hiện nay. Nhưng những vấn đề như vậy ở đâu ra? Một nhân viên tiếp dân một ngày phải tiếp bao nhiêu người dân với đủ thăng bậc cảm xúc, phải hướng dẫn cho người dân bao nhiêu lần về vấn đề giấy tờ thì thử hỏi người đó có thể luôn luôn kiềm chế nổi mình hay không? Thậm chí, có người nhắc đi nhắc lại đến 5, 7 lần vẫn không nhớ mình phải cần những thứ gì, vẫn phải hỏi đi hỏi lại. Đã có ai đặt vào hoàn cảnh của những người làm công chức nhà nước để hiểu được những gì đang xảy ra với họ hay chưa? Hay chỉ thấy mình là quan trọng, công việc của mình là cần thiết? Hay những người cán bộ kia chỉ là một đám lằng nhằng, rắc rối, cáu gắt?
Cứ đồng ý rằng tham nhũng “theo nghĩa rộng, tham nhũng được hiểu là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi. Theo Từ điển Tiếng Việt, tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân lấy của. Tài liệu hướng dẫn của Liên hợp quốc về cuộc đấu tranh quốc tế chống tham nhũng (năm 1969) định nghĩa tham nhũng trong một phạm vi hẹp, đó là sự lợi dụng quyền lực nhà nước để trục lợi riêng...” là hành vi chỉ xảy ra trong khối nhà nước. Vậy một anh làm một chức vụ ở một công ty tư nhân có những hành vi lợi dụng quyền được giao của mình để trục lợi hay không? Nếu có, thì mở rộng ra nếu đặt anh ta vào vị trí cán bộ của Nhà nước thì anh ta có vụ lợi hay không? Câu trả lời này chắc chắn là “CÓ” luôn. Lòng tham con người vốn là vô đáy, vậy thì tại sao không đặt mình vào trường hợp đó mà hỏi “Mình CÓ tham nhũng hay KHÔNG?”. Quay ngược trở lại với câu chuyện ban đầu, từ người dân làm việc nhỏ, trái luật dẫn đến người cán bộ họ vòi vĩnh, nhũng nhiễu, càng lên chức cao thì càng họ càng vụ lợi nhiều hơn, to bóp bé, bé bóp nhỏ, nhỏ bóp nhỏ hơn và đến cái không thể bóp được nữa thì phải chịu. Phải tự trách mình bởi chính bản thân mình và bao người trong xã hội đã phần nào gây ra tình trạng hiện nay. Một chính quyền, chứ mười chính quyền cũng không đủ sức để đẩy lùi hết tệ nạn. Muốn tốt thì bản thân mình và những người khác phải biết “ĐÚNG, SAI” “ĐEN, TRẮNG”. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải biết hi sinh một chút lợi ích cá nhân của mình để thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn. Vậy thôi.
Cá nhân chúng ta hay chê trách người khác và nhận phần tốt về mình, ít khi nào chúng ta suy nghĩ về ranh giới mỏng manh giữa “ĐEN và TRẮNG”. Ranh giới ấy chỉ là một sợi dây vô hình và được ràng buộc bởi pháp luật. Suy nghĩ “Được làm tất cả những gì pháp luật không cấm” là một suy nghĩ hết sức sai lầm. Nên nhớ rằng có những điều mà Pháp luật chỉ “CHƯA CẤM” chứ không phải là “KHÔNG CẤM”. Mọi vấn đề của cuộc sống không quá phức tạp như chúng ta tưởng, cái ranh giới ấy nó không mỏng manh, vô hình như chúng ta đang nghĩ mà nó ràng buộc bởi pháp luật. Chỉ cần dừng lại và suy ngẫm một chút là nhận ra ngay điều gì ta nên và không nên làm. Thiện hay ác ở trong chính lòng ta chứ không phải ở xã hội bên ngoài. Đừng nghĩ rằng việc tốt ta làm lạc lõng với xã hội mà hãy nghĩ rằng, khi ta làm việc tốt thì sẽ có người nhìn thấy, sẽ có người làm theo và dần nhiều người, rồi cả xã hội sẽ làm theo. Sự lan toả, cho dù âm thầm, nhỏ bé nhưng dần dần sẽ lớn hơn, giống như một vòng tròn đồng tâm hướng ra ngoài mà chúng ta tạo ra.
Một xã hội, muốn có tự do, công bằng thì xã hội đó phải đặt trong sự kiềm toả của Pháp luật. Không có những giá trị tự do “tuyệt đối”, nhân quyền “tuyệt đối” như những kẻ đang mang danh “đấu tranh vì tự do dân chủ” đang rêu rao ngoài đường, ngoài phố. Không một quốc gia nào, xã hội nào chấp nhận những con người sống ngoài vòng pháp luật của họ. Ngay cả trong ngôi nhà của chính bạn, bạn vẫn phải có những quy định riêng biệt để cả gia đình và những người khách thực hiện, từ chỗ để giày dép, ăn uống đến ngủ nghỉ, thậm chí đi vệ sinh, tôn ti trật tự, cách đối nhân xử thế trong gia đình và ngoài xã hội chứ không phải muốn điều gì cũng được. Thậm chí những kẻ đang chống đối Đảng và Nhà nước cũng thừa hiểu rằng, cho dù chúng có lật đổ được thể chế này, chúng cũng phải tạo ra một nhà nước pháp quyền để kiểm soát, vẫn phải ban bố luật để điều khiển xã hội. Vậy là chúng đã mâu thuẫn với chính chúng.
Vậy, chúng ta nên chống đối hay chúng ta nên xây dựng một xã hội theo nhu cầu của chính chúng ta? Đấu tranh với chính bản thân mình để mình tốt hơn hay để xấu hơn là tuỳ bạn. Hãy tự ngẫm rằng xã hội này ĐEN hay TRẮNG một phần là do cá nhân mình. Bạn nhìn đời qua một cặp kính màu đen thì bạn sẽ không bao giờ thấy điểm sáng đẹp trong xã hội. Trong cuộc sống, bạn phải thực hiện trách nhiệm của mình thì bạn mới có được những quyền lợi của bạn, không thể đòi hỏi một chiều. Cá nhân bạn phải là người có những quan điểm của riêng mình chứ không phải lao theo vòng xoáy của những người xung quanh. Hãy luôn suy nghĩ cho mình một lối sống tích cực, tuân thủ pháp luật; luôn xây dựng cho mình phân biệt được giữa ĐEN và TRẮNG, ĐÚNG và SAI; hãy tự hỏi rằng, mình có muốn xã hội này tốt đẹp hay không? Nếu “CÓ” thì phải hành động, đừng chờ đợi bất kỳ một ai tạo dựng một cuộc sống cho mình.

No comments:

Post a Comment