Tuesday, October 22, 2013

Ngẫm

Đại tướng ra đi cũng đã hơn 2 tuần. Với hàng triệu người Việt Nam thì đây thật sự là tổn thất rất lớn cho dân tộc. Nhưng ngẫm lại 1 điều, Đại tướng cũng đã hưởng trọn tuổi trời.
Đã từng là một người lính, kể từ ngày mất của Đại tướng, cho đến ngày hôm nay, mỗi lần đọc thông tin về đám tang của Đại tướng, nước mắt của tôi lại ứa ra. Công lao của Đại tướng đối với dân tộc Việt Nam không thể nào phủ nhận. Có thể nói rằng, bát cơm mà tôi đưa lên miệng ngày hôm nay có được cũng là công sức của Đại tướng và bao thế hệ cấp dưới của Người. Tôi tự hào vì đã phục vụ trong Quân đội do Người xây dựng nên.

Với tình yêu và sự tôn trọng vô vàn, tôi nghĩ rằng đối với công lao của Người, sự tri ân của dân tộc Việt Nam sẽ không là đủ. Đã có lúc tôi mong ước thành phố Điện Biên Phủ được đổi sang tên Đại tướng để đền đáp với công lao mà Đại tướng đã bỏ ra.
Cụ Nguyễn Quốc Thước là một người lính chính trực, với tình yêu của Cụ dành cho Đại tướng, việc cụ đề nghị Quốc hội mặc niệm, phong hàm Đại Nguyên soái, phong Anh hùng dân tộc cho Đại tướng là một điều rất dễ hiểu. Hầu hết người dân Việt Nam đều cho rằng những sự phong tặng đấy mới xứng đáng với công lao của Đại tướng.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận lại qua đám tang của Đại tướng những ngày vừa qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện tất cả những gì có thể để tri ân công lao của Đại tướng. Việc tổ chức Quốc tang cho Người là trường hợp đặc biệt, hàng triệu người dân tiễn đưa Đại tướng về đến nơi an nghỉ cuối cùng đã chứng minh cho sự Bất diệt của Đại tướng trong lòng nhân dân, nơi an nghỉ của Đại tướng có 25 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ luân phiên canh gác đã thể hiện sự tri ân ở mức cao nhất có thể.
Yêu cầu Quốc Hội mặc niệm cũng là một điều tốt, nhưng Quốc tang 2 ngày, các cơ quan, công sở đều treo cờ rủ cũng là thực hiện nghi lễ ở mức cao nhất. Việc phong hàm, phong danh hiệu là xứng đáng, nhưng khi sửa luật về việc đó, sẽ đặt ra các tiêu chí để phong. Như vậy tiêu chí sẽ như thế nào? Khi Đại tướng còn sống, chưa bao giờ Đại tướng yêu cầu việc đó. Đối với Đại tướng, cả cuộc đời là dành cho phụng sự nhân dân, dân tộc. Đại tướng chưa bao giờ nói về công lao của mình.
Nói về sự giản dị của Đại tướng, tôi có tình cờ đọc qua Facebook con gái cả Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn viết về ngày đi viếng Đại tướng: “Riêng mình vì sức khỏe , đặc cách được vào phong hai cụ nghỉ mấy chục năm qua , bước vào gian phòng mình thấy như đâu đây bác Văn và cô Hà hiện hữu .
Cổ nghèn nghẹn , nước mắt tự tuôn khi vào rửa tay trong nhà tắm ... bình thường quá mức bình thường của một nhà tắm thời nay. Các thiết bị như không được chăm sóc, sửa chữa đã lâu, như “phó thường dân” vẫn có những thùng nhựa , gáo nhựa "chữa cháy" . Thầm nghĩ trên cả hành tinh này liệu còn có một vị tướng thứ hai có cái nhà tắm vậy không nhỉ . Vừa giận, vừa buồn, thảo nào dân yêu đến vậy ,con người đến gần lúc về cõi vĩnh hằng vẫn lo cho dân cho nước , vẫn muốn dân ta phải làm gì cho nước ta sánh vai các cường quốc năm châu ... vẫn chẳng nghĩ gì cho mình .
”. Ở đây, ta thấy Người đã có sự vĩ đại của một Đại tướng nhân dân.
Việc phong hàm, phong hiệu cho Đại tướng là một điều nên làm, nhưng có thực sự cần thiết hay không khi những lời căn dặn của Đại tướng trước lúc ra đi, những trăn trở, suy nghĩ của Người về sự cường thịnh của Đất nước còn đó mà chúng ta chưa làm được. Nếu thực sự nghĩ về Người, tri ân công lao của Người, chúng ta cần phải đoàn kết, cố gắng hơn nữa để thực hiện bằng được những mong ước của Người trước lúc đi xa. Có như vậy, tôi tin rằng ở nơi phương trời xa Đại tướng sẽ mỉm cười hài lòng với dân tộc Việt Nam.
Đại tướng ra đi nhưng lòng dân lại quy về một mối, trong những ngày từ khi Đại tướng từ biệt dân tộc, sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam lại được nhân lên, con người Việt Nam gắn bó, thông cảm, chia sẻ với nhau hơn. Và đó cũng là chiến công cuối cùng của Đại tướng mà không ai có thể làm được. Đám tang của Người là “hồng tang” là “niềm tự hào của gia đình, phúc ấm để lại cho dân tộc - Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh”. Tôi tin rằng, mỗi khi nhớ về Đại tướng, con người Việt Nam sẽ sống tốt hơn rất nhiều.
Ông “nghị” Dương Trung Quốc, một nhà “dân chủ” cấp tiến lại trả lời phỏng vấn của báo Người lao động như thế này: “Nhiều đại biểu Quốc hội cũng trao đổi xung quanh việc này. Nói gì thì nói, mặc niệm vẫn tốt hơn là không mặc niệm. Còn vì sao không dành thời gian mặc niệm thì nên hỏi những nhà lãnh đạo có trách nhiệm”. Cá nhân tôi vẫn đánh giá cao và trân trọng những tình cảm dành cho Đại tướng. Tuy nhiên, lợi dụng việc Cụ Nguyễn Quốc Thước đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội để “đá xéo” đội ngũ lãnh đạo như vậy thì quả thật ông Quốc đi quá đà trong trò chơi chính trị mà tự bản thân ông tạo ra. Ông nên nhớ rằng, Đảng, Nhà nước, Quốc Hội và nhân dân để tang Đại tướng 2 ngày theo nghi lễ cao nhất của Quốc gia rồi. Như vậy, các nhà lãnh đạo Nhà nước, Quốc Hội cũng đã làm tròn sự tri ân đối với Đại tướng rồi. Là một đại diện của nhân dân, lẽ ra ông Quốc nên có cái nhìn mang tính bao quát hơn chứ không nên tỏ thái độ chỉ trích như vậy.
Nên nhắc lại tinh thần của Đại tướng một lần nữa “Dĩ công vô thượng”. Hiểu hay không, còn tuỳ người.




No comments:

Post a Comment