Trong thời gian vừa qua, đặc biệt vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, trên một số trang mạng, Facebook, có một số người đã đưa ra một bài thơ (được cho là Bác Hồ viết) để nói rằng Bác là người tự phụ, không khiêm cung.... Đối với một số người trẻ, sự suy nghĩ không chín chắn, khi đọc những bài viết như vậy mà không được kiểm chứng sẽ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc rằng Bác Hồ là người không có đạo đức.
Thực sự, bài viết này do 1 tác giả tên "Phạm Cây Trâm ???" đã từng đăng lên nguyệt san Thế kỷ 21, California, số 136 là một tờ tạp chí hải ngoại. Cho đến năm 2001, ông Nguyễn Huệ Chi và ông Hoàng Ngọc Hiến được tiến sĩ Nguyễn Bá Chung mời sang đại học Boston, Massachusette để viết về đề tài người Việt tị nạn ở Mỹ. Trong thời gian làm việc tại Mỹ, được sự giới thiệu của tiến sĩ Chung, hai ông này có cơ hội quen biết với nhiều người, nhiều tổ chức chống Cộng và được hướng dẫn đi thăm nhiều tiểu bang. Qua sự quen biết rộng rãi đó không hiểu các ông có gia nhập tổ chức chính trị chống Cộng nào không? Trong thời gian ở Mỹ, để lấy lòng mấy người chống Cộng, ông Hoàng Ngọc Hiến đã lấy bài thơ “Vịnh đền Kiếp Bạc” ra viết đăng trên website Talawas để chê trách về đạo đức của ông Hồ Chí Minh. Đồng thời, sau đó khi quay trở lại Việt Nam, về thời gian sau này hai ông này có sự chuyển biến sang chống đối nhà nước Việt Nam (?)
Bài thơ “Vịnh đền Kiếp Bạc” có 2 bản như sau:
“Cũng tai, cũng mắt, cũng anh hùng
Tôi, bác cùng chung chí kiếm cung
Bác phá quân Nguyên thanh kiếm bạc
Tôi trừ giặc Pháp lá cờ hồng
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng
Bác có khôn thiêng cười một tiếng
Rằng tôi cách mệnh đã thành công”.
Có bản khác viết rằng:
"Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng,
Tôi, bác cùng chung nghiệp kiếm cung.
Bác thắng quân Nguyên thanh kiếm bạc,
Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng.
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng.
Bác có linh thiêng cười một tiếng
Rằng tôi cách mạng đã thành công."
Ngay cả bài thơ này, về thời điểm xuất hiện cũng chưa xác định được rõ ràng. Có tài liệu cho rằng nó ra đời vào năm 1946 khi Pháp chưa quay trở lại xâm lược Việt Nam và cũng có ý kiến cho rằng nó xuất hiện vào năm 1948 vào thời thủ hiến Nguyễn Hữu Trí kêu gọi người dân trở về cộng tác với chính phủ đừng theo Việt Minh nữa. Theo tác giả Lê Văn Việt trong sachhiem.net thì bài thơ này không phải của Bác Hồ, mà là của một người theo Việt Nam Quốc Dân Đảng người Hà Nam ở trong nhóm nhà văn Đào Trinh Nhất, Sở Cuồng Lê Dư ... Bài thơ được đăng ở báo Cải-Tạo năm 1948 ở Hà Nội. Còn theo tác giả Đỗ Đình Tuấn, một nhà giáo, nhà thơ thì bài thơ trên do một nhóm các cụ nhà nho ở thị xã Bắc Ninh làm ra (?) http://dodinhtuan.blogspot.com/2011/11/lam-nao-e-xac-inh-tho-that-va-tho-giai.html
Thứ nhất: Ở 2 câu đầu mặc dù đã gán ghép vào Bác Hồ ở "Nghiệp kiếm cung" nhưng thực sự chỉ có Đức Thánh Trần là người theo Nghiệp kiếm cung, là một tướng quân sự, thống lĩnh ba quân xông pha nơi chiến trận. Còn Bác Hồ là một lãnh tụ chính trị chứ không phải là người trực tiếp cầm quân.
Thứ hai: Khi đọc bài thơ nói trên, ở câu Tôi trừ giặc Pháp ngọn cờ hồng và Rằng tôi cách mạng đã thành công là không đúng với thực tế lịch sử lúc đó, tức là năm 1948. Thời điểm này Bác Hồ vẫn đang còn trong Chiến khu Việt Bắc, cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đang vào thời điểm căng thẳng. Do vậy, Bác Hồ không thể nào mạnh miệng tuyên bố 2 câu như trên được.
Ngoài ra, năm 1948 quân Pháp đóng ở Đông Khê, ở Cao Bằng và khắp các thành phố miền Bắc. Ở Hải Dương nơi có Đền Kiếp Bạc, Pháp đóng 7 cái đồn bao phủ chung quanh Đền Kiếp Bạc để đối đầu với chiến khu Đông Triều của tướng Văn Tiến Dũng. Người Pháp kêu tên 7 cái đồn đó là 7 cái chùa (Sept Pagodes) bộ Chỉ huy đóng ở Phả Lại. Pháp đóng quân ở quanh Đền Kiếp Bạc đi hành quân lục soát gọi là đi càn (đi ruồng) thường xuyên trong vùng. Như vậy cho Bác Hồ cũng không thể nào về thăm Đền Kiếp Bạc và hiên ngang đọc bài thơ đó được. Theo hồi ký của ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ thì năm 1965, Người có về thăm Côn Lôn nơi Nguyễn Trãi cư trú lúc thôi làm quan. Như vậy cả đời Bác Hồ chưa bao giờ đến Đền Kiếp Bạc thì không khi nào Người là tác giả bài thơ đó.
Thứ ba: Ngôn từ trong bài thơ "Bác - Tôi" là cách xưng hô thân mật trong lúc trà dư, tửu hậu giữa những nhà nho đồng tuế, đồng liêu. Xưng hô xách mé với các bậc tiên liệt, thánh nhân, chỉ là ngôn từ của bọn vô lại, vô học, không thể đem gán cho một bậc đại trí, đại nhân như Hồ Chí Minh mà hòng đánh lừa được ai. Ở Việt Nam, Cụ Hồ là cao nhất, nhưng cũng chưa thấy vị chủ tịch nước nào lại xưng “cháu” với dân, như Cụ Hồ. Năm 1946, được tin cụ Nguyễn Văn Ấm ở Hải Kiến-Kiến An (nay thuộc Hải Phòng) đã 94 tuổi vẫn chịu khó đi học bình dân học vụ, Cụ Hồ viết thư động viên: “Cháu được tin rằng bình dân học vụ thôn ta có 17 vị trở lên…riêng cụ đã 94 tuổi mà vẫn chịu khó đi học, thật là quý hóa…Mong rằng bao giờ học xong, cụ sẽ viết thư cho cháu”. Tháng 5-1948, được biết cụ Phùng Lục, người Ứng Hòa, Hà Đông, nhân dịp 90 tuổi, đã xóa bỏ lễ mừng thượng thọ, đem số tiền 500 đồng quyên vào Quỹ kháng chiến, Cụ Hồ đã viết thư cảm ơn: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn Cụ và trân trọng chúc Cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và kiến quốc. Cháu lại kính gửi Cụ lời chào thân ái và quyết thắng”. Đối với người dân, Cụ Hồ còn giữ lễ như vậy, huống chi với các bậc thánh nhân, anh hùng dân tộc?
Tháng 11/1948, Bác Hồ gửi thư tới Bác Tôn, thư viết: “...Theo thiển ý của tôi, chúng ta cần huấn luyện cán bộ, mà huấn luyện cán bộ xã là trước hết. Rồi lựa chọn những cán bộ có năng lực nhất, đưa dần lên làm cán bộ huyện, tỉnh và khu... Nói tóm lại, cần có chương trình huấn luyện hẳn hoi... Thiển ý như thế, xin Cụ và Ban Thi đua Trung ương xét bàn kỹ. Kính chúc Cụ mạnh khỏe và gửi Cụ lời chào thân ái và quyết thắng”...
Khi Cụ Huỳnh Thúc Kháng mất, Bác đã viết thư gửi đồng bào toàn quốc: “Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân tộc được tự do, nước được độc lập… Đồng bào Việt Namquyết theo gương kiên quyết của cụ. Con Rồng cháu Tiên quyết không làm nô lệ. Tinh thần kháng chiến của cụ Huỳnh sống mãi!”
Với một con người có LỄ như vậy thì cách xưng hô trong bài thơ đó không thể nào là của Hồ Chủ tịch.
Xin kết lại bài viết này với câu kết luận của tác giả Trần Đức Ngô:
Từ sự phân tich trên có thể rút ra kết luận: một kẻ tầm thường nào đó đã mạo danh Cụ Hồ làm ra bài này rồi gán cho Cụ, đó là một sự bịa đặt với ý đồ xấu, nhằm hạ thấp Cụ Hồ, nhưng đã bị hoàn toàn thất bại, bởi không đánh lừa được ai, mà chỉ phơi bày ý đồ xấu xa, trình độ thấp kém của người vu cáo, vì bài thơ ấy hoàn toàn xa lạ với khẩu khí, văn hóa, đạo đức, nhân cách, lòng vị tha của Cụ Hồ.
Việc xuất hiện bài thơ trên cùng những hiện tượng tương tự là điều đáng buồn, nhưng không khó hiểu. Sự xúc phạm Cụ Hồ như đang có vẻ tăng lên. Nhưng đâu có phải do lỗi của Cụ? Cụ đã được loài người tiến bộ thừa nhận là “Anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, người đem lại “bát cơm, tấm áo, hương hoa, hồn người cho dân tộc”, trả lại vị trí xứng đáng của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng cũng phải thấy, không phải lúc nào “hổ phụ” cũng sinh “hổ tử” mà vẫn thường xảy ra bi kịch:“bố thày đồ, con đốt sách”, nghĩa là không nối chí được cha ông. Con cháu hư hỏng, người ta cứ réo tên ông cha ra mà chửi. Nỗi đau Cụ Hồ phải gánh là ở chỗ đó. Nhưng lịch sử rất công bằng: anh hùng cứu nước hay tay sai bán nước, trung thần hay gian thần, vốn rất rạch ròi. Khi hận thù đã qua đi, công lao, cống hiến, tài năng, đức độ của Cụ Hồ sẽ được đánh giá lại sòng phẳng.
Nguồn tham khảo:
Lê Văn Việt - sachhiem.net
Trần Đức Ngô - Có đúng Cụ Hồ là tác giả bài thơ “Viếng đền Kiếp Bạc”
http://dodinhtuan.blogspot.com
Một số tạp chí khác
No comments:
Post a Comment