Sunday, December 15, 2013

MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ ÔNG DƯƠNG TRUNG QUỐC

Bài tại đây:

Trong những năm gần đây, với việc điều chỉnh những chủ trương, chính sách cho phù hợp theo quá trình phát triển của đất nước và hội nhập cùng các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đời sống kinh tế ngày càng phát triển, vị trí trên thế giới ngày càng được củng cố và ủng hộ. Việc gia nhập WTO, trở thành thành viên HĐBA, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, và sắp tới là TPP là những thành quả rõ ràng nhất đã minh chứng về đường lối phát triển đúng đắn và hợp thời mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn.

Năm 2013 đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam bằng bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013  và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Hiến pháp ngày 8/12/2013, theo đó, Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Hiến pháp mới thể hiện rõ hơn sự đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Với sự đồng thuận nhất trí cao của Quốc Hội (97,59%) đã chứng minh Hiến pháp mới phù hợp với lòng dân, ý chí của toàn Đảng, toàn dân tộc.
Với kết quả như vậy, có thể nhận định rằng việc đa số đồng ý và có người không đồng ý là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay. Sự ủng hộ cho một chế độ không thể toàn vẹn 100% như ý muốn của đại đa số; cũng có thể hiểu rằng, trong số những người không ủng hộ, có thể có những người chưa hoàn toàn đồng ý và có những người phản đối. Đối với người khôn ngoan, họ sẽ chọn phương pháp im lặng cho ý kiến cá nhân của mình. Bởi, một phần họ sẽ hiểu rằng họ hiện tại chưa hài lòng với đa số, nhưng sẽ suy nghĩ, nhìn nhận và đánh giá lại toàn diện của vấn đề.
Thế nên khi ông Dương Trung Quốc tự khẳng định rằng mình là người bấm nút không biểu quyết, một số nhà báo lá cải vội vàng lao vào tâng bốc ông ta lên tận mây xanh và cho rằng ông ta là người có những quan điểm thẳng thắn, khác biệt. Thậm chí, có một tờ báo còn tung hê: “gan ruột của lão thần” như ông ta là một người kiên trung, tâm huyết, vì dân vì nước. Thế nhưng, đối với cá nhân tôi, ông Dương Trung Quốc chỉ là một kẻ  “đầu cơ chính trị”. Không hơn không kém.
Là một “nhà sử học” đồng thời là là một Đại biểu Quốc hội, việc đầu tiên mà ông Quốc nên hướng đến chính là làm tốt công việc chuyên môn của chính mình, đồng thời nên khơi gợi lại tình yêu lịch sử trong nhân dân như Bác Hồ đã nói “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Tuy nhiên, những tác phẩm về Lịch sử của ông DTQ lại không nhiều chỉ bao gồm hai cuốn tự viết và 2 cuốn viết chung và thêm một số bài viết được đăng trên các báo. Tôi nhớ, tổng thống Putin khi sang thăm Việt Nam, khi được hỏi về Liên Xô đã nói: “Ai không thương nhớ Liên xô, người ấy không có trái tim, (nhưng) ai muốn quay lại thời Liên Xô, người ấy không có cái đầu”. Trong một bài trả lời phỏng vấn về tình trạng “dốt sử”, ông DTQ đã nhận định: “trong đó có trách nhiệm trực tiếp của giới sử học chúng tôi. Những người làm sử, dạy sử đã mang đến cho lớp trẻ những sản phẩm mà rất có thể là chưa phù hợp về nội dung và hình thức” (1)– Báo Dân trí. Với suy nghĩ như vậy, với lợi thế của mình, ông DTQ nên sử dụng tiếng nói trong Quốc hội để kêu gọi mọi người quan tâm hơn đến lịch sử, để yêu thương đất nước này với cả trái tim. Tuy nhiên, ông DTQ đã không làm như vậy, thay vào đó, trình độ về sử học của ông ta chỉ đến mức độ “Bên thắng cuộc của nhà báo Huy Đức có những đóng góp về mặt phương pháp và tư liệu, khắc phục được hạn chế của sử học chính thống ở Việt Nam và đóng vai trò như một “cú hích” để những ai quan tâm có thể nghiên cứu lịch sử đương đại của đất nước một cách “nghiêm túc” và “thiện chí” hơn. – Ông DTQ trả lời BBC về cuốn “Bên thắng cuộc”(2). Trong khi đó, đối với bất kỳ một ai quan tâm đến Lịch sử Việt Nam đều hiểu rằng cuốn Bên thắng cuộc của Huy Đức là một sự xuyên tạc lịch sử Việt Nam.
Dẫn chứng như vậy, để hiểu rằng, mặc dù mang danh là một nhà sử học nhưng ông DTQ không thực hiện đúng vai trò của chính mình mà chỉ lợi dụng cái mác “nhà sử học” để thực hiện những tham vọng chính trị của mình.
Trong vai trò là một Đại biểu Quốc hội, tất nhiên, với khả năng và đầu óc của mình, ông DTQ không thể hiện rõ ràng thái độ chống đối đối với đại đa số. Thay vào đó, ông DTQ luôn cố gắng để chứng minh mình là một Đại biểu “độc lập”, có những ý kiến riêng biệt, “cấp tiến”. Cụ thể nhất là việc  phê phán “thói đạo đức giả” và đưa ra đề xuất “cần có một dự án luật để điều chỉnh vấn đề mại dâm” (3).  Ở đây, ông DTQ cho rằng người Pháp tạo ra mại dâm ở Việt Nam và họ điều chỉnh bằng Pháp luật. Điều đó đúng, tuy nhiên ông DTQ lại không hiểu rằng người phương Tây thực dụng, trước vấn đề khó khăn với nạn mại dâm, họ công nhận để quản lý và thực chất là thu thuế “bảo kê mại dâm theo Pháp luật”. Cũng như các nước phương Tây thực sự không hề có chút hãnh diện nào về việc thành lập các khu “đèn đỏ”. Ngay tại Amsterdam cũng dự định trong 5 năm tới, sẽ giảm số lượng nhà thổ từ 500 xuống còn 409, và sẽ hạn chế con số này xuống 300. "Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này trên phương diện đạo đức", Eberhard van der Laan, thị trưởng Amsterdam, nói. Và "Thật vô đạo đức khi một gã đàn ông lắm tiền nhiều của tự cho mình được quyền mua bán cơ thể phụ nữ", ông Gert-Jan Segers, một nhà lập pháp, kết luận.
Ông DTQ lại tự cho mình là “cấp tiến”, là “độc lập” khi đăng đàn trên Quốc hội và chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về “văn hoá từ chức”. Khi đặt vấn đề này, nếu xem xét kỹ, chính là âm mưu của ông DTQ nhằm hạ bệ thủ tướng, tách Đảng với dân, tạo cảm giác cho người nghe cảm giác Đảng mang tính tối thượng, độc tài với câu hỏi: "Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đang nặng trách nhiệm với Đảng, nhẹ trách nhiệm với dân? Và: Thủ tướng có tán thành khởi đầu cho sự tiến bộ của Chính phủ hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?". Để rồi sau đó, với câu trả lời chân thành của TT Nguyễn Tấn Dũng, ông DTQ chữa cháy bằng câu trả nói: “chất vấn là để xem Thủ tướng trả lời ra sao, và với nội dung Thủ tướng vừa đối đáp thì nhân dân yên tâm, tức là an dân”. Trong khi đó, chính bản thân ông ta lại cho rằng: “Với tôi, chất vấn chính là được chất vấn, chứ không phải là bị chất vấn” (4). Như vậy, có thể thấy rằng, ngay bản thân ông DQT cũng chỉ nhìn hời hợt vấn đề từ một phía, không dám đối diện với câu hỏi, không hề muốn tìm phương án giải quyết vấn đề mà chỉ bới móc ra mà thôi.
Với một vài chứng minh ở trên, có thể nhận thấy rằng ông DTQ luôn cố gắng tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để xây dựng hình ảnh một nhà chính trị “đối lập”. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ và nhìn sâu về các hoạt động của ông DTQ thì ta có thể thấy rõ ràng hơn về mục đích và những động cơ tạo cho ông DQT thực hiện những hành động như vậy. Nếu nhìn những hình ảnh ông DTQ tươi cười tham gia hoạt động biểu tình của nhóm “No-U” và “người đàn bà của năm” “máu trên máu dưới” Bùi Thị Minh Hằng (5), tham gia ủng hộ các hoạt động “diễn đàn xã hội dân sự”, một diễn đàn của những kẻ chống đối nhà nước tạo ra nhằm thực hiện những hoạt động diễn biến hoà bình, chính trị đường phố với mục đích gây bất ổn cho nền chính trị của Việt Nam, những câu trả lời đầy ẩn ý của ông DTQ cho một số nhà báo hải ngoại sẽ thấy tham vọng của ông DTQ không dừng lại ở một “nhà sử học” hay Đại biểu Quốc hội.
Với những suy nghĩ như vậy, việc ông DTQ biểu quyết không đồng ý với Hiến pháp mới là điều dễ hiểu. Thực chất, tồn tại trong suy nghĩ của ông DTQ đã chuyển biến sang đối lập với Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tuy nhiên chưa thể hiện một cách rõ rệt mà mới chỉ xây dựng một “thương hiệu” riêng cho mình nhằm tạo lối đi riêng, tránh lặp lại sai sót của những người vỗ ngực tự xưng là “nhân sĩ trí thức” như Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Huệ Chi, Tương Lai… Với hướng đi như vậy, sẽ không ngạc nhiên khi ông DTQ vội vàng công bố mình là người không biểu quyết nhằm đánh bóng tên tuổi, tạo bước đệm cho các hoạt động chính trị “hậu Đại biểu Quốc hội” của ông ta. Có thể, ông Dương Trung Quốc sẽ không tham gia Quốc hội khoá 14 mà sẽ trở thành một “nhà chính trị đối lập”. Đó chính là hành động “đầu cơ chính trị”.
Cứ chờ xem.


No comments:

Post a Comment